TP.HCM: Tăng cường diệt muỗi, giám sát vi rút Zika

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra và giám sát đối với ca bệnh đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

Cũng ngay trong chiều tối 5/4 Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực nơi sống và làm việc của bệnh nhân.


Phun hóa chất khu vực bệnh nhân sống và làm việc


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, người nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là một một phụ nữ 33 tuổi đang mang thai 8 tuần, hiện sống tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc tại một tòa nhà trên đường Lê Duẩn.


Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết trường hợp nữ bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika khởi phát bệnh từ ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 do lo ngại bị bệnh rubella. Bệnh nhân đã được nhập viện và mẫu máu gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm xét nghiệm ngày 31/3 và 1/4với kết quả dương tính với vi rút Zika. Kết quả xét nghiệm mẫu máu này của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2/4/2016 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 4/4/2016 cũng cho kết quả dương tính với vi rút Zika.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu tiếp tục tăng cường giám sát hơn nữa tại các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi.

Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trước khi khởi bệnh, bệnh nhân không đi đến vùng có dịch, không có quan hệ tình dục với người từ vùng dịch trở về và không tiêm chích hoặc truyền máu. Điều tra dịch tễ tại nơi bệnh nhân cư trú ghi nhận một vài trường hợp bị sốt trong tháng qua nhưng kết quả xét nghiệm không phát hiện vi rut Zika. Tại các điểm tầm soát khác, chưa ghi nhận ca bệnh do virut Zika. Hiện tại, các triệu chứng lâm sàng đã ổn. Bệnh nhân được nhân viên y tế tư vấn về việc theo dõi tình trạng thai nhi và các vấn đề liên quan đến bệnh do Zika.


Trong buổi giám sát ca bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo ngành y tế TP Hồ Chí Minh tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng tại nơi sống và làm việc của bệnh nhân. Ngay sau đó, chiều tối ngày 5/4 Trung tâm y tế Dự Phòng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng dọc tuyến đường Lê duẩn, Tông Đức Thắng, và khu vực Thảo Cầm Viên. Ở Khu vực gần nhà bệnh nhân sinh sống cũng được ngành y tế tiến hành phun hóa chất và kiểm tra mật độ muỗi côn trùng.


Đại diện Sở y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế Thành phố đã triển khai đầy đủ và đồng loạt nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và phát hiện sớm các ca bệnh khác tại nơi sinh sống, làm việc của bệnh nhân này. Đây là một bệnh truyền nhiễm do virut, chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh, đa số không có triệu chứng, số còn lại thì bệnh diễn tiến nhẹ. Bệnh lây lan qua trung gian muỗi vằn cũng là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue - một bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc kiểm soát bệnh do virut Zika cũng đồng nghĩa với kiểm soát quần thể muỗi truyền bệnh.


Tăng cường giám sát ở thai phụ

Trước thông tin thai phụ dương tính với vi rút Zika, bà Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương lo ngại nhiều sản phụ sẽ lo lắng mà đổ dồn đi xét nghiệm, lúc đó sẽ dẫn đến tình trạng quá tải ảo tại các bệnh viện có sản khoa. Giải quyết những lo ngại trên, đại diện Vụ bảo vệ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, các cơ sở y tế sẽ ưu tiên cho người mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống và đã từng đến vùng dịch; chồng hoặc bàn tình dương tính với vi rút zika; thai phụ bị sốt và phát ban sẽ được xét nghiệm tầm soát vi rút zika.


Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, về phía điều trị bệnh viện có thểm đảm bảo được, bệnh viện đã chuẩn bị tất cả những phương tiện để có thể tiếp nhận và điều trị những trường hợp có nhu cầu cần nhập viện. Bệnh Zika ở người lớn và trẻ em đa số đều không có triệu chứng nếu có thì ở thể rất nhẹ tuy nhiên.


Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika bởi hiện nay có sự giao lưu đi lại giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương trong cả nước; đồng thời Việt Nam có lưu hành muỗi vằn có khả năngtruyền bệnh do vi rút Zika. Do đặc điểm của bệnh thường diễn biến ở mức độ nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.Tuy nhiên, do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm vi rút Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ đang mang thai.


Tại buổi làm việc với ngành y tế TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao công tác giám sát, thực hiện chiến dịch phòng chống vi rút Zika thời gian qua tại các bệnh viện quận, huyện. Bộ trưởng Tiến yêu cầu tiếp tụctăng cường giám sát hơn nữa tại các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi. Với trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika, cần tổ chức xét nghiệm chéo để cho kết quả chính xác nhất.

Bộ trưởng Y tế đi giám sát dịch tại khu vực nhà bệnh nhân đang sống.

Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung triển khai các hoạt động như: Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước; Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản, nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết. Nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2...


Ngành y tế khuyến cáo, người dân tích cực cùng tham gia với ngành y tế trong các hoạt động phòng chống Zika. Đặc biệt, người dân nên chủ động tự diệt muỗi và lăng quăng tại hộ gia đình, tại những nơi có nhiều vật chứa nước có khả năng phát sinh loăng quăng. Hoặc ngăn ngừa muỗi đốt tại nhà bằng những biện pháp gia dụng nhưng bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi , kem chống muỗi...


Bài và ảnh: Đan Phương
Cách thức phòng tránh virus Zika
Cách thức phòng tránh virus Zika

Đồ họa về các biện pháp phòng tránh virus Zika.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN