TP.HCM: Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Hiện số ca bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng đều tăng nhất là các bệnh hô hấp do vi rút lây qua đường tiếp xúc. Đặc biệt là trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều chủng vi rút mới.


Dẫn đầu đoàn công tác của Bộ y tế, trong chuyến khảo sát tại một số bệnh viện ở thành phố và qua buổi làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/5 về tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, công tác phòng chống dịch bệnh của ngành y tế thành phố làm rất tốt. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gia tăng, nhất là tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa. Do đó, các bệnh viện, sở y tế các địa phương cần chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như công tác điều trị bệnh.


Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện số ca bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng đều tăng nhất là các bệnh hô hấp do vi rút lây qua đường tiếp xúc như: thủy đậu, quai bị đặc biệt là sởi. SXH tăng 30 % so với cùng kỳ và có xu hướng giảm theo mùa. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng trong khoảng 1 tháng nữa khi mùa mưa bắt đầu. TCM tăng 29 % và đang bước vào đỉnh dịch đầu tiên theo chu kỳ.


Hiện tại bệnh sởi và thủy đậu vẫn ở mức cao, chưa giảm, trong khi đó, bệnh TCM đang tăng và có khả năng xuất hiện các chủng vi rút mới khiến cho tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp.


Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị ngoại trú cho 3.428 bệnh nhi sởi, trong đó trẻ ngụ TP Hồ Chí Minh chiếm 2.303 ca,; điều trị nội trú 1.683 bệnh nhi sởi trong đó, TP.Hồ Chí Minh có 852 ca. Về bệnh TCM từ đầu năm đến nay Bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị ngoái trú 30.380 ca trong đó, thành phố chiếm 19.884 ca; số nhập viện điều trị nội trú 2.685 ca trong đó, TP.Hồ Chí Minh có 1.265 ca. Chưa có trường hợp tử vong. Còn SXH có 1.137 ca; điều trị nội trú 469. Đã có 3 bệnh nhi tử vong do bệnh sốt xuất huyết trong đó có 1 ca ở tỉnh. Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới, từ đầu năm đến nay điều trị điều trị ngoại trú cho 6.022 ca bệnh TCM, điều trị nội trú cho 1.169 ca. Sởi 1.937 ca điều trị ngoại trú; 1324 ca điều trị nội trú.


Bác sỹ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 lo lắng, hiện tại bệnh sởi và thủy đậu vẫn ở mức cao, chưa giảm, trong khi đó, TCM đang tăng, SXH thì dự báo sẽ tăng trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi mùa mưa đến. Đặc biệt, cả bệnh sởi và TCM biến chứng nặng đều gây tổn thương phổi, suy hô hấp, trẻ phải được dùng máy thở.


Đánh giá về tình hình dịch bệnh ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur cho rằng: trong thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng cao xuất hiện nhiều chủng chủng vi rút mới, diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp hơn.


Bên cạnh đó, Cục phó Cục Y tế dự phòng cũng đánh giá: thành phố đã có những biện pháp phòng chống dịch bệnh rất kịp thời. Tuy nhiên, trong thời gian tới dịch bệnh sẽ phức tạp hơn, do đó đòi hỏi phải tiếp tục giám sát các loại dịch bệnh như: Sởi, TCM, viêm màng não và một vài dịch bệnh khác đang xuất hiện trên thế giới có thể vào Việt Nam qua con đường du lịch giao thương kinh tế… Theo đó, cần giám sát các ca bệnh, phát hiện sớm, để kịp thời phân tuyến tránh tình trạng bỏ sót ca bệnh đặc biệt là giám sát tốt các tác nhân gây bệnh. Hạn chế tử vong, thực hiện tốt không để lây chéo.


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện ngành y tế thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong tháng 5, TP sẽ tiếp tục tập trung tiêm ngừa vắc-xin sởi. Trong đó, giữa tháng 5 sẽ tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi với hơn 200.000 liều vắc xin sởi. Tập trung ở các trường học và các trạm y tế phường xã. Đặc biệt, Sở Y tế TP chỉ đạo các quận huyện triển khai vệ sinh khử khuẩn môi trường, các trường học để phòng TCM, SXH; tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là giữ vệ sinh khử khuẩn, rửa tay cho trẻ.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đánh giá cao công tác phòng chống, phân luồng bệnh, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo; và công tác chuyển giao chuyên môncủa các bệnh viện rất tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến và có chiều hướng gia tăng do đó chúng ta cần phải tiến hành song song công tác phòng chống và dập dịch. Công tác dự phòng tốt thì sẽ hạn chế được dịch bệnh.


Đan Phương

Sống ở vùng dịch có thể mắc sốt xuất huyết hơn một lần
Sống ở vùng dịch có thể mắc sốt xuất huyết hơn một lần

Bệnh nhân nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó. Chính vì thế, những người trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN