TPA - Chìa khóa giúp khai thông TPP

Sau một thời gian dài chờ đợi, các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có thể nhẹ nhõm phần nào khi mới đây, các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận để dự luật về “Quyền Thúc đẩy thương mại” (TPA), hay còn gọi là trao đặc quyền đàm phán nhanh cho tổng thống, được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu chính thức tại Thượng viện Mỹ. Bước đi này được nhìn nhận sẽ “mở ra cánh cửa” cho TPP mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang theo đuổi, đồng thời giúp nước Mỹ tránh một thất bại lớn trong tiến trình đàm phán về hiệp định này. Vậy TPA là gì và vai trò của dự luật này như thế nào?

Chìa khóa cho TPP

Được thông qua lần đầu tiên vào năm 1974, TPA là một đạo luật ngoại thương cho phép hành pháp được rộng quyền đàm phán các hiệp định thương mại. Theo đó, chính quyền Tổng thống Obama và các đời tổng thống kế tiếp được toàn quyền tiến hành đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của các hiệp định thương mại quốc tế. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh hay sửa đổi các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP. Thể thức nhanh gọn này được gọi là “quyền đàm phán nhanh”, với đạo luật được tái tục 5 năm/lần. Tuy nhiên, đạo luật này đã hết hạn hồi năm 2007 và đến năm 2012 lại bị đảng Dân chủ cầm quyền vào thời điểm đó “gạt sang một bên”.

Cuộc đấu tranh giành quyền TPA là cuộc chiến cam go của Tổng thống Obama trong suốt 19 tháng qua.Ảnh: AFP/TTXVN


Cơ chế “đàm phán nhanh” mà TPA mang lại được đánh giá là “một chiếc chìa khoá” giúp thúc đẩy thương mại nói chung và mở đường cho việc ký kết TPP mà Mỹ đang nỗ lực đàm phán với 11 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương nói riêng, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Việt Nam, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Đối với Mỹ, đạt được TPP đóng vai trò quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị vì quy tụ các nước có sản lượng kinh tế chiếm gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu nhưng không có Trung Quốc - một đối trọng “đáng gờm” trên mặt trận kinh tế của Washington.

Không có TPA, Quốc hội sẽ có quyền sửa đổi TPP từ câu mở đầu cho đến từ kết thúc cuối cùng của bản hiệp định trước khi phê chuẩn, từ đó buộc chính quyền Washington phải quay lại bàn đàm phán với các đối tác. Do đó, một khi dự luật này được thông qua, các quốc gia đối tác sẽ phần nào yên tâm hơn khi ký hiệp định thương mại với Mỹ mà không phải lo ngại những điều khoản đã thỏa thuận sẽ bị thay đổi. Nói cách khác, TPA là điều kiện tiên quyết để có thể đảm bảo TPP sẽ được thông qua tại Quốc hội lưỡng viện và cũng là mảng ghép cuối cùng quan trọng nhất vào lúc này đối với đàm phán TPP.

Không chỉ giúp đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán TPP, TPA còn tác động tích cực đến một loạt các hiệp định thương mại quan trọng khác mà Mỹ đang đàm phán, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương về Thương mại và Đầu tư (TTIP) với 28 nước của Liên minh châu Âu. Giới phân tích đánh giá riêng chỉ hai hiệp định này cũng đã bao trùm thị trường của 1,3 tỷ người và chiếm tới 60% GDP toàn cầu. Một khi được ký kết, TPP và TTIP được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như các công việc liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ vốn mang lại thu nhập cho người lao động cao hơn 13 - 18% so với các ngành nghề khác. Bởi vậy, việc đạt được TPA sẽ là một “bước tiến lớn” giúp Mỹ khẳng định vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại trên thế giới cũng như cung cấp các công cụ quan trong để thương lượng, đảm bảo sự thông qua của quốc hội và việc triển khai các hiệp định thương mại.

Trở ngại ngay trong lòng nước Mỹ

Mặc dù có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy các hiệp định thương mại, song TPA năm 2015 lại đang trở thành điểm nóng gây tranh cãi trên chính trường Mỹ giữa các ông nghị đồi Capitol. Điều đáng nói là phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ việc trao quyền đàm phán nhanh cho chính quyền trong khi nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ, vốn là đồng minh của Tổng thống Obama, lại lên tiếng gây cản trở dưới sức ép từ các nghiệp đoàn cũng như các nhóm bảo vệ môi trường.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đều là thành viên đảng Dân chủ, cho rằng các hiệp định thương mại tự do chỉ giúp mang lại nhiều tiền bạc hơn cho thiểu số những người giàu có nhất, trong khi làm mất việc làm của người lao động Mỹ. Một số nghị sĩ Dân chủ khác lại bày tỏ quan ngại một số nước có thể có hành động thao túng tiền tệ khi thực hiện chính sách hạ lãi suất để giữ giá đồng tiền thấp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến các đối tác kinh doanh.

Việc các nghị sĩ tại Thượng viện đạt được thỏa hiệp đưa TPA ra thảo luận để bỏ phiếu chính thức mới đây cũng chính là kết quả của các cuộc “mặc cả” căng thẳng khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng ý với đề nghị của các đồng nghiệp đảng Dân chủ đưa thêm một điều khoản về chương trình trợ cấp cho những người lao động có thể bị mất việc làm do TPP. Trong trường hợp được Thượng viện thông qua, TPA cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn tại Hạ viện vì liên quan đến một loạt ngành công nghiệp chủ chốt từ ô tô, thép tời giày da và dược phẩm - với các lực lượng vận động hành lang vô cùng hùng hậu.

Thủ lĩnh phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng TPA có thể sẽ được điều chỉnh và các nghị sĩ đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ yêu cầu tiến hành thêm các cuộc bỏ phiếu về vấn đề thao túng tiền tệ cũng như việc bảo vệ người lao động và môi trường. Bên cạnh đó, các nghị sĩ bảo thủ trong đảng Trà tại Hạ viện dự kiến cũng sẽ lên tiếng gây cản trở TPA bởi những người này luôn muốn đòi tiếng nói trong các hiệp định thương mại tự do và phản đối việc trao thêm quyền hạn cho tổng thống. Do đó, việc TPA có thể đạt được sự ủng hộ từ đa số, tức là 218 dân biểu trong số 435 ghế của Hạ viện, theo luật định là một điều rất khó khăn.

Giới phân tích đánh giá cuộc đấu tranh giành quyền TPA là cuộc chiến cam go của Tổng thống Obama trong suốt 19 tháng qua, đồng thời bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp. Trong bối cảnh 11 quốc gia tham gia đàm phán đang trông chờ vào “một cú hích” giúp khai thông TPP tại Washington sau 20 kỳ họp, nội bộ nước Mỹ lại “lục đục” chỉ vì những lý do cục bộ, khiến dư luận quốc tế không khỏi quan ngại về năng lực lãnh đạo của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề lớn khác. Trong thời gian tới, Tổng thống Obama và ê-kíp làm việc sẽ cần phải triển khai một chiến dịch vận động mạnh mẽ để có thể thuyết phục các nghị sĩ đảng Dân chủ có cái nhìn thiện cảm hơn với TPA và TPP, qua đó đảm bảo tiến trình đàm phán với 11 đối tác trong suốt 5 năm qua không “đặt dấu chấm hết” ngay chính tại Washington.

Phương Oanh

Ngoại trưởng Kerry: TPP mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Mỹ
Ngoại trưởng Kerry: TPP mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu quan trọng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi tới thăm trụ sở Tập đoàn sản xuất máy bay nổi tiếng Boeing tại Seatle, bang Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN