'Tổn thất của Trung Quốc là đánh mất quan hệ với Việt Nam'

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Trưởng Phòng nghiên cứu Á-Phi – Ban Nghiên cứu khu vực – Viện Nghiên cứu Quốc phòng – Bộ Quốc phòng Nhật Bản về hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc tại vùng kinh tế đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn:

PV: Đầu tháng 5/2014 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoàn tại thềm lục địa Việt Nam. Theo ông, mục đích và lý do thực sự của Trung Quốc qua hành động này là gì?

Ông Tomotaka Shoji: Nếu nhìn bối cảnh tổng thể, có thể thấy trong những năm vừa qua Trung Quốc đang không ngừng thực hiện chiến lược tiến ra đại dương ở cả biển Đông và các vùng biển khác với những hoạt động ngày càng thường xuyên của hải quân Trung Quốc. Còn đối với Việt Nam, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi cản trở ngư dân Việt Nam tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Trong cái mạch đó, tôi nghĩ rằng hành động lần này của Trung Quốc là nhằm cụ thể hóa động thái củng cố ảnh hưởng của mình tại biển Đông với quần đào Hoàng Sa làm trung tâm.

Điều làm tôi bất ngờ đó là trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến biển Đông trong thời gian gần đây lại đang khá yên ả thì Trung Quốc đột nhiên lại tiến hành động thái đó. Và tôi hết sức lo ngại đối với những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tiến sĩ Tomotaka Shoji, Trưởng Phòng nghiên cứu Á-Phi thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản.


PV: Theo ông, sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở biển Đông có liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay không?

Ông Tomotaka Shoji: Tôi nghĩ rằng hiện chưa thể nói rõ mối quan hệ nhân quả của chuyến thăm đó nhưng chắc chắn rằng Trung Quốc hết sức quan tâm và theo dõi việc Mỹ sẽ can dự thế nào vào an ninh của khu vực Đông Nam Á hay rộng hơn là khu vực Đông Á. Việc Trung Quốc tiến hành động thái đó ngay sau chuyến thăm của ông Obama khiến tôi nghĩ rằng có khả năng có mối liên hệ nào đó. Tuy nhiên, tôi không rõ là các quyết định cụ thể nào đã được đưa ra tại Trung Quốc.

PV: Theo ông, Trung Quốc được gì và mất gì qua động thái vừa rồi?

Ông Tomotaka Shoji: Cái được của Trung Quốc rõ ràng là việc tăng cường thêm ảnh hưởng và sự khống chế trên thực địa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Trung Quốc cũng sẽ có cái mất. Cái mất lớn nhất chính là quan hệ với Việt Nam và ở nghĩa rộng hơn là quan hệ với ASEAN. Trong nửa đầu thập niên những năm 2000, quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN rất tốt. Với sự tiếp cận tích cực từ phía Trung Quốc, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển rất tích cực và hữu nghị với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy nhiên, căng thẳng lên cao tại biển Đông rõ ràng đã tạo ra “điểm trừ” trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

PV: Trước hành động của Trung Quốc, ASEAN đã ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông và khẳng định quyết tâm thúc đẩy đàm phán COC. Theo ông, ASEAN có vai trò gì trong việc tháo gỡ căng thẳng hiện nay hay không?

Ông Tomotaka Shoji: Tôi cho rằng lần này ASEAN đã đưa ra được quan điểm tương đối thống nhất về vấn đề Biển Đông. Trong 10 nước thành viên ASEAN, mỗi nước có mối quan hệ riêng rất khác nhau với Trung Quốc. Cũng có những nước có mối quan hệ sâu sắc và không có vấn đề đặc biệt nào với Trung Quốc. Do đó, một ASEAN với 10 nước thành viên sẽ luôn gặp khó khăn để đi đến quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng, lần này ASEAN đã đạt đến sự thống nhất tương đối ở mức tối đa.

Tuy nhiên, sẽ khó có thể nói về sự thống nhất đó của ASEAN sẽ có tác động thế nào đến Trung Quốc nếu không tiếp tục quan sát. Hay nói cách khác sẽ rất khó để đưa ra dự đoán.

Các tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam ngày 12/5. Ảnh: Văn Sơn/TTXVN


PV: Việc sớm thúc đẩy đàm phán COC sẽ góp phần cho an ninh trên biển Đông. Tuy nhiên, căng thẳng vừa qua đã khiến cho tiến trình này bị trì hoãn thêm. Vậy, theo ông, các nước cần phải làm thế nào để thúc đẩy quá trình tiến tới COC?

Ông Tomotaka Shoji: Đương nhiên, không có bất cứ nghi ngờ về việc COC rõ ràng là vấn đề quan trọng nhất đối với ASEAN tại Biển Đông. Nhưng đáng tiếc, chúng ta buộc phải nói Trung Quốc đang thể hiện thái độ tiêu cực đối với COC. Do đó, rất khó để hy vọng ASEAN sẽ sớm đạt được một kết quả tốt về COC. Mặc dù không phải là một ý kiến mang tính sáng tạo gì nhưng chỉ có cách tiếp tục thảo luận mà thôi. Chúng ta hiện không biết sẽ mất bao nhiêu năm để có được kết quả, nhất là khi tình hình đang ngày càng trở nên không rõ ràng trong những năm gần đây. Nhưng dù sao, chúng ta đã có một khuôn khổ và hàng năm gặp mặt vài lần để trao đổi trong khuôn khổ đó cũng đã là một nỗ lực rất lớn. Đối với ASEAN, việc tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đó theo tôi là một cách làm hiệu quả nhất. Nhưng có lẽ sẽ không có chuyện COC được hình thành ngay lập tức.

PV: Trung Quốc tỏ ra coi thường quyền lợi chính đáng của các nước xung quanh và tiếp tục chính sách quyết đoán trên biển. Vậy, theo ông, các nước cần có đối sách như thế nào trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng?

Ông Tomotaka Shoji: Nếu nói một cách thẳng thắn, có lẽ không có một đối sách nào có thể khiến Trung Quốc thay đổi ngay lập tức. Nhưng dù sao vẫn phải làm điều gì đó, đây là nhận thức chung của các nước đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến biển. Mặc dù chỉ mang tác động gián tiếp nhưng một trong những đối sách là ASEAN phát huy tối đa hiệu quả các hội nghị liên quan của mình. Tại đó, kiên trì truyền đạt cho phía Trung Quốc quan điểm chung của cộng đồng quốc tế rằng không được thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đối với các vấn đề liên quan đến trật tự thế giới, trước hết là vấn đề trên biển. Để làm được điều đó, trước hết các nước ASEAN cần có sự thống nhất. Tiếp đó là nhận được sự hợp tác của các nước đối tác như Nhật Bản để thể hiện sự đồng thuận về việc duy trì hiện trạng.

PV: Thời gian gần đây, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” bao gồm gần như toàn bộ biển Đông. Ý kiến cá nhân của ông về yêu sách này của Trung Quốc ra sao?

Ông Tomotaka Shoji: “Đường chín đoạn” của Trung Quốc chiếm tới 80% diện tích biển Đông. Khía cạnh pháp lý của “đường chín đoạn” cần có những đánh giá chi tiết mà những hiểu biết hạn chế của tôi về vấn đề này chưa thể bình luận được. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rõ ràng là yêu sách “đường chín đoạn” đã mâu thuẫn với chủ quyền của các nước khác trong ASEAN như Việt Nam và Philippines. Và yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với “đường chín đoạn” đã làm phát sinh vấn đề đối với một bộ phận các nước trong ASEAN, tạo nên bối cảnh phức tạp hiện nay ở biển Đông.

Tôi xin đưa ra một câu chuyện khá cũ, đó là cuộc kháng chiến giành độc lập từ người Pháp vào khoảng năm 1947, 1948. Khi đó, người Việt Nam đã thực hiện trường kỳ kháng chiến, kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi của toàn cục. Kết quả là trận Điện Biên Phủ và Việt Nam giành chiến thắng trước quân Pháp. Từ câu chuyện đó, tôi cho rằng một bài học rút ra là kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục. Vấn đề đặt ra là sử dụng bài học đó khi đưa ra các chính sách cụ thể.

PV: Tương tự như Việt Nam, Nhật Bản cũng đang gặp phải những vấn đề ở Hoa Đông với Trung Quốc. Vậy theo ông, Nhật Bản sẽ đóng vai trò ra sao trong mối quan hệ với ASEAN nhằm đương đầu với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với khu vực?

Ông Tomotaka Shoji: Việc Trung Quốc mở rộng hoạt động trên biển trở thành một vấn đề lớn đối với các nước như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trên phương diện an ninh. Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến những diễn biến hiện nay ở biển Đông. Và Nhật Bản luôn duy trì lập trường không chấp nhận việc quốc gia khác sử dụng sức mạnh nhằm thay đổi hiện trạng. Với ý nghĩa như vậy, tôi nghĩ rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ không chỉ phối hợp với các nước có chung vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc mà còn nỗ lực đóng vai trò tìm kiếm sự đồng thuận của quốc tế về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!


Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)



‘Tạo sóng’ ở Biển Đông, Trung Quốc chấm dứt ‘trỗi dậy hòa bình’
‘Tạo sóng’ ở Biển Đông, Trung Quốc chấm dứt ‘trỗi dậy hòa bình’

Trong một thập kỉ qua, Trung Quốc đã rất nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng nước này đang “trở mình hòa bình”. Thế nhưng, những diễn biến gần đây ở Biển Đông cho thấy, nhiều nước đã nghi ngại về cái gọi "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN