Tình trạng quá tải bệnh viện: Quá chú trọng điều trị “triệu chứng”

Phương châm “phòng hơn chữa” trong điều trị “căn bệnh” quá tải bệnh viện dường như đang bị xem nhẹ. Khi các giải pháp đưa ra dường như chỉ chú ý “chữa” ngay “triệu chứng” quá tải mà chưa tác động tới gốc rễ vấn đề.

Lâu nay, tình trạng quá tải bệnh viện (BV) thường tồn tại ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các BV chuyên khoa sâu, có thương hiệu như K, Nhi, Chấn thương chỉnh hình, Sản phụ… Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Nguyên nhân chung là cơ sở hạ tầng của các tuyến cuối cùng bao nhiêu năm không thay đổi, không có đất xây BV mới trong khi dân số và nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Cơ chế đang trói buộc ngành y tế cả tay lẫn chân, bác sĩ chỉ được tự do… mỗi cái đầu. Muốn giảm quá tải thì phải giảm tỷ lệ thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Thế nhưng, giá viện phí quá thấp, hệ số lương chi cho cán bộ thì tăng, phụ cấp tăng theo. Nếu bớt thẻ bảo hiểm y tế thì BV sẽ giảm nguồn thu. Vì lẽ đó mà BV phải cố giữ số thẻ BHYT càng nhiều càng tốt…”.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ cũng cho rằng: “Quá tải BV là do thiếu cán bộ và thiếu BV. Về đất đai, dù lãnh đạo các thành phố rất tạo điều kiện về chủ trương nhưng có đi xin đất thì mới biết “đoạn trường” xin đất phức tạp. Do đó, cần có một cơ chế thật đặc biệt để cấp đất, xây dựng BV. Về nhân lực, cũng cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt, ví như tại Đà Nẵng, dù đến tuổi nghỉ hưu rồi nhưng tất cả các cán bộ y tế có nhu cầu vẫn được ký hợp đồng rồi chuyển về công tác tại tuyến quận, huyện”.

“Các BV lớn, luôn trong tình trạng quá tải như BV Bạch Mai rất cần có cơ sở 2. Nhưng từ khi xây dựng một cơ sở y tế đến khi đi vào hoạt động phải mất 10 - 20 năm. Do đó, công tác giảm tải cần có lộ trình; các BV cần được tạo điều kiện về đất đai và vốn vay ưu đãi để xây dựng thêm cơ sở 2”, BS.TSCC Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, kiến nghị.

Đưa ra các giải pháp giải bài toán quá tải BV tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Trước mắt TP Hà Nội đề xuất bổ sung giường bệnh các tuyến đặc biệt, các BV tuyến thành phố; bố trí đủ giường bệnh điều trị nội trú theo kế hoạch, khuyến khích mở rộng kê thêm giường, thu hút giường bệnh xã hội hóa, nhằm đảm bảo yêu cầu điều trị”.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng thu hút nguồn vốn đầu tư cho y tế, chú trọng tăng nguồn xã hội hóa, ưu tiên đầu tư xây mới các BV.

Về lâu dài để phát triển hệ thống y tế Thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 5 cụm tổ hợp công trình y tế đa chức năng có tầm cỡ quốc tế tại khu vực Gia Lâm - Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên và Sơn Tây.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho hay, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án giảm tải BV để trình Chính phủ với nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng thêm số giường bệnh ở các đơn vị quá tải ở mức độ “nóng” với tình trạng 2-3 người, thậm chí 4-5 người nằm ghép trên một giường bệnh, bằng các giải pháp ưu tiên đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn tài chính hợp pháp khác cho các khoa và các BV có tình trạng quá tải trên; phân tuyến kỹ thuật một cách hợp lý, tránh tình trạng chuyển tuyến không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tiếp nhận bệnh nhân, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian bệnh nhân phải chờ đến lượt khám bệnh; tăng cường việc cải thiện cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật của cán bộ y tế tuyến dưới để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của y tế cơ sở…

Phương Liên

Tình trạng quá tải bệnh viện: Cần chiến lược về y tế dự phòng
Tình trạng quá tải bệnh viện: Cần chiến lược về y tế dự phòng

Tập trung cho y tế dự phòng (YTDP), làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mới thực sự là biện pháp giải quyết tận gốc căn bệnh quá tải bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN