Tình cảm của một nhà báo Nhật Bản với Việt Nam

Nhiều người vẫn gọi ông và chính tên tác giả ghi trên tập sách ảnh Chiến tranh giải phóng Việt Nam vẫn ghi là Isicaoa Bundô, nhưng thực ra tên của ông là Isicaoa Bunyô (Ishicawa Bunyo). Ông sinh ngày 10/3/1938 tại Siuriu, Ôkinaoa, Nhật Bản. Hồi nhỏ ông chỉ là một học sinh bình thường tốt nghiệp trường cấp 3 ban đêm ở Riôgôku, thuộc Siuriu, trên đảo Ôkinaoa, Nhật Bản.


Thực ra, Việt Nam ban đầu không nằm trong dự định đến của ông. Như lời ông viết sau này, ông rời Nhật Bản với động cơ vừa làm việc, vừa có thời gian đi vòng quanh thế giới. Do đã từng công tác ở một hãng phim thời sự của Nhật, ông được nhận vào làm việc ở một công ty điện ảnh Mỹ chuyên kinh doanh buôn bán và sản xuất phim tài liệu.

Isicaoa Bunyô đang đi chụp ảnh tại vùng rừng U Minh năm 1967.


Isicaoa Bunyô sang Việt Nam lần đầu tiên là năm 1964 sau khi đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964 mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Lúc đó, ông sang Việt Nam làm việc cho hãng phim Phacátsư Stuđiô, có văn phòng đại diện ở Sài Gòn. Ngày 8/8, ông ghé qua Hồng Kông và được giao nhiệm vụ đến Việt Nam.


Sau mấy tháng chuẩn bị, tháng 10/1964, ông đặt chân đến miền Nam Việt Nam và từ tháng 1/1965, thì chuyển hẳn sang sống và làm việc tại Sài Gòn. Từ đây, ông mới thâm nhập tìm hiểu cuộc sống của nhân dân miền Nam Việt Nam. Lúc đầu, ông đi theo các cuộc hành quân của quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa.


Một thời gian sau, với ý nghĩ muốn tìm hiểu cuộc sống của nhân dân trong hoàn cảnh chiến tranh, muốn xác định xem khả năng của bản thân có thể đơn độc đi thu thập tin tức ở chiến trường Việt Nam đến mức độ nào, ông chuyển sang làm phóng viên tự do. Từ năm 1969 đến 1984, ông là phóng viên nhiếp ảnh của báo Ashahi.


“Trường học” tại Việt Nam


Được chứng kiến các cuộc càn của quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông viết: “Càng xem những trận đánh của lính Sài Gòn và lính Mỹ, nhìn những hình ảnh của nhân dân trong đấu tranh, tôi đã đi đến một nhận thức, đây là một cuộc chiến tranh giữa một nước lớn ngay cả về lực lượng với cái lập luận ích kỷ của họ cùng với những kẻ có quyền hành của Việt Nam chạy theo đuôi chúng để cưỡng bức một nước nhỏ, một nước của những người có nguyện vọng tha thiết, đấu tranh cho độc lập hoàn toàn của Tổ quốc mình... Tôi đã cùng ăn ngủ với binh lính. Tôi cũng đã nhiều lần trông thấy quang cảnh những binh lính gảy đàn ghi ta, tụm thành từng nhóm ca hát vào lúc mặt trời lặn. Nhưng khi thấy binh lính vui vẻ, nâng niu con chim nhỏ đang đậu trên vai kia lại vừa châm lửa đốt nhà dân, tra tấn dã man nông dân, tôi cảm thấy cái mức độ khủng khiếp của chiến tranh xâm lược, làm thay đổi hẳn tính cách của con người một cách đáng sợ”.

“Tôi đã dùng nhiếp ảnh như một công cụ để phản đối tất cả những điều gì hủy diệt mạng sống con người”.


Năm 1970, ông sang chiến trường Lào và Campuchia. Đến năm 1972, ông lại đến miền Bắc Việt Nam với tư cách là phóng viên nhiếp ảnh của báo Ashahi. Năm 1973, ông đến vùng Giải phóng Quảng Trị. Vốn có tình cảm với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ông sung sướng khi nghe tin Hiệp định Pari (1973) về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết. Ông tâm sự: “Tôi còn nhớ cái cảm giác đầu mình nóng ran lên trong khi theo dõi bản tin ký kết Hiệp định Pari của đài truyền hình gửi bằng vệ tinh thông tín từ Pari”... Và rồi, “Ngày Sài Gòn giải phóng, tôi vừa đọc những dòng chữ lớn đăng trên trang nhất tờ báo buổi chiều, vừa sung sướng vì chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Lòng tôi rộn ràng, phấn khởi chen lẫn một tình cảm tiếc nuối rằng mình chẳng có mặt để được xem tận mắt, nghe tận tai... Qua cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã học tập và lớn lên được rất nhiều. Trường học chính của tôi chính là những năm tháng đi hoạt động lấy tin ở Việt Nam”.


Từ năm 1984 về sau, ông là phóng viên nhiếp ảnh tự do, và đã đi đến 56 nước khác trên thế giới như Campuchia, Xômali, Áganixtan, Bôxnia… Từng có mặt ở những nơi chiến sự quyết liệt nhất, những nơi nguy hiểm nhất mà vẫn vô sự, ông quả là một người may mắn. Cũng cần nói thêm rằng, trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã có trên 10 phóng viên Nhật Bản đã hy sinh.


“Lịch sử” đặc biệt của một quyển sách


Tập sách ảnh “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” của Isicaoa Bunyô xuất bản năm 1977 có một quá trình ra đời khá đặc biệt.


Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Isicaoa và Hônđa Cátchưichi trở lại thăm Việt Nam. Hai ông đã đi thăm nhiều nơi và đều nhận thấy vấn đề là có rất nhiều ảnh thời sự và tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam được phổ biến rộng rãi trên thế giới và cả ở Nhật Bản nhưng bản thân người Việt Nam lại hầu như chưa được xem mấy. Các ông đều cho rằng, giờ đây khi chiến tranh đã kết thúc, rất cần có tập ảnh để truyền lại cho con cháu người Việt Nam mai sau thấy được những thử thách, những bài học của dân tộc mình đã trải qua... Do đó, tập ảnh ghi lại hình ảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ rõ ràng có ý nghĩa to lớn. Ý tưởng xuất bản cuốn sách ảnh được ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng đó cũng là một quá trình vận động không hề dễ dàng. Khả năng tài chính của các cá nhân thì hạn chế, trong khi sách ảnh tư liệu thì cần phải in khổ to, giấy dày và phải là giấy tốt để in các ảnh màu. Nếu cuốn sách mà gửi đến nhà xuất bản phục vụ mục đích kinh doanh ở Nhật thì họ lại không in phần tiếng Việt. Lúc đầu tập ảnh được chuyển đến Ủy ban Nhật Bản ủng hộ Việt Nam và Ủy ban liên lạc Văn hóa với nước ngoài của Việt Nam để được đề nghị giúp đỡ, nhưng do có nhiều hoạt động khác nên các ủy ban này cũng không còn nhiều kinh phí để giúp in sách. Theo tính toán của nhà xuất bản, để in một tập sách ảnh khổ lớn, in màu khổ lớn thì phải phát hành được 1.500 bản và với giá là 13.000 Yên. Nhiều phương án in sách được nêu ra, như thương lượng bán cho Trung Quốc, và Liên Xô bản tiếng Trung Quốc và tiếng Nga rồi lấy tiền dôi ra dùng vào việc in bản tiếng Việt, hoặc dựa vào một phong trào đặt mua tập sách ảnh của quần chúng nhân dân Nhật Bản...

Sau gần 45 năm Isicaoa gắn bó với Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của ông cho sự phát triển văn hóa thông tin và cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã trao tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin.

Cuối cùng, phương án được thông qua là không dựa vào nước ngoài mà dựa vào sự đóng góp của chính nhân dân Nhật Bản bằng cách phát động phong trào quần chúng quyên góp mua tập sách in bản tiếng Nhật, số tiền dư ra sẽ dùng để in ra bản tiếng Việt gửi tặng nhân dân Việt Nam. Một ủy ban lấy tên là Phong trào gửi tập ảnh tặng Việt Nam được thành lập và phát động rộng rãi có tính quần chúng như mặt trận thống nhất do ông Mátchưura Sôdô, một nhà báo tự do, làm đại diện. Từ tháng 7 đến tháng 11/1976, lời kêu gọi được in trên các báo, tạp chí và truyền hình Nhật Bản như báo Ashahi, nguyệt san Người thành thị, tạp chí Tinh thần khốn cùng; báo Acahata (Cờ đỏ)cơ quan của Đảng Cộng sản Nhật Bản, báo Ôkinaoa Taimơ, báo Riukiu, Hòa bình, Phụ nữ dân chủ, Shôhiô, Xã hội tân báo, Nhật Bản và Việt Nam, hãng vô tuyến truyền hình TBS... Tất cả đều có những bài viết, những phóng sự kêu gọi người dân mua tập sách ảnh để ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đến hạ tuần tháng 11/1976, những người tổ chức rất bất ngờ khi số lượng đặt mua đã lên đến con số 4.000 bản, mặc dù tập sách ảnh có giá không hề rẻ. Nó vượt xa con số yêu cầu là 1.500 cuốn. Điều đáng quý là trong số những người đặt mua sách đa phần là quần chúng nhân dân như thanh niên lao động, nữ y tá, chủ tiệm buôn nhỏ, nông dân, viên chức cấp thấp, nội trợ, giáo viên trường tiểu học, trung học... Những người tổ chức phong trào cho rằng “qua đấy càng cảm thấy sâu sắc chiến tranh Việt Nam là một thiên lịch sử ăn sâu, bám rễ vững chắc ngay trong quần chúng nhân dân Nhật Bản”.


Cuốn sách được phát hành ngày 30/12/1977, ghi rõ Bản gửi tặng nhân dân Việt Nam, được tập hợp bởi Ủy ban Phát động phong trào gửi tập ảnh tặng nhân dân Việt Nam. Cuốn sách được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu: “... tập ảnh Chiến tranh giải phóng Việt Nam với những hình ảnh rất đẹp và có ý nghĩa về cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ và vô cùng oanh liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam chúng tôi”. Cuốn sách gồm 300 trang ảnh màu, hơn 120 trang ảnh đen trắng và niên biểu chiến tranh Việt Nam. Quyển sách đã trở thành một tập ảnh về chiến tranh Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay. Bản tiếng Việt in tới 2.000 bản, được gửi sang Việt Nam bằng tàu thủy và phải chở bằng ba xe ô tô vận tải loại 4 tấn. Phần cuối sách, những người tổ chức đăng danh sách 4.350 người đã ủng hộ gửi tập sách tặng nhân dân Việt Nam để tri ân sự đóng góp của họ.


Tập sách ảnh chia làm 9 phần chính: 1.Lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam; 2.Cuộc “hành quân” ở một xã; 3.Quân đội của ngụy quyền Sài Gòn; 4.Nhân dân trong khói lửa chiến tranh: 5.Sài Gòn rực lửa; 6.Lào, Campuchia; 7.Miền Bắc Việt Nam; 8.Vùng giải phóng; 9.Cả nuớc giải phóng hoàn toàn.


Tác giả đã chụp được những bức ảnh có giá trị tố cáo cao khi đi cùng Sư đoàn kỵ binh số 1, Sư đoàn bộ binh 25 ở Tây Ninh khi quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành chiến dịch Prêri; Sư đoàn bộ binh số 9 của Mỹ tham chiến ở đồng bằng sông Cửu Long 1967 và cả khi đi cùng các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa như Sư đoàn 7, 9, 21...


Sức truyền cảm mạnh mẽ


Những tháng ngày đi chụp ảnh miền Bắc cũng là một quãn g thời gian đặc biệt, ông viết: “Là những người đi lấy tin nhiều năm về miền Nam Việt Nam, chúng tôi đều có một ước mong được tận mắt quan sát cuộc sống của người dân miền Bắc Việt Nam. Ngày 20/10/1972, tôi sung sướng nhận được điện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp nhận đề nghị của tôi. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ giây phút xúc động đó... Đi nhiều nơi trên miền Bắc Việt Nam, tôi càng nhận rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân vô cùng kính trọng. Có được điều đó vì cụ là nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, đồng thời là Bác Hồ của mọi người với cuộc sống rất giản dị và luôn gần gũi với nhân dân”. Thời gian ở tham quan miền Bắc Việt Nam, ông đã nhiều lần xúc động, cho rằng “mình đã chọn con đường làm phóng viên thật là đúng quá”.

Isicaoa Bunyô có các tác phẩm đã xuất bản như: Tập ảnh “Chiến tranh và dân chúng”, “Miền Bắc Việt Nam, (Nxb báo Ashahi); các phóng sự “Tiền tuyến Việt Nam, (Nxb báo Iômiuri), “Vượt sông Bến Hải”, (Nxb báo Ashahi) cùng với phóng viên nhiếp ảnh người Nhật khác là Hônđa Cátchưichi. Ông cũng đã có các cuộc triển lãm “Chiến tranh với binh lính và dân chúng”, “Miền Bắc Việt Nam” tại phòng triển lãm Nicôn. Ông cũng đã làm phim truyền hình “Phóng sự đi theo đại đội lính thủy đánh bộ miền Nam Việt Nam” (phát trên Đài truyền hình Nhật NTV). Ông đã được giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh Nhật Bản, Giải thưởng Hiệp hội các nhà nhiếp ảnh Tạp chí Nhật Bản, Giải thưởng đặc biệt Hội nghị các nhà báo Nhật Bản.


Còn ông Côdai Iôsisighê, Chủ tịch Ủy ban Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam, đã dành những lời đánh giá rất trân trọng cho tập ảnh: “Tập ảnh này có mặt ở gia đình, trường học và thư viện của các nước sẽ có tác dụng mạnh mẽ làm cho hậu thế thấy được chiến tranh Việt Nam là thế nào. Tập ảnh tố cáo tính chất tàn bạo dã man của cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Ống kính của nhà nhiếp ảnh cũng nói lên dũng khí, sức bền bỉ, trí sáng tạo đến kinh ngạc của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến bất khuất, cuộc đấu tranh đầy hy sinh vì “độc lập tự do” của Tổ quốc, vì danh dự của một dân tộc và nhân phẩm của loài người. Và cuối cùng họ đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ đó... Trăm nghe không bằng một thấy. Dù không đặt chân đến tận nơi nhưng mỗi một tấm ảnh cũng có sức truyền cảm mạnh mẽ vào con người chúng ta và những lời thuyết minh lại truyền cho ta cảm xúc và hiểu biết”.


Hônđa Cátchưichi, phóng viên nhiếp ảnh Nhật Bản, người đã có những năm tháng đi chụp ảnh cùng Isicaoa tại chiến trường Việt Nam viết: “… Xuất thân từ Ôkinaoa... anh Isicaoa đem cả sinh mạng của mình vào Việt Nam với nhiều ý nghĩa. Bắt đầu đi theo quân đội của chính quyền Sài Gòn, tiếp đó đi đến nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, nơi có quân đội Mỹ gây tội ác, sang cả mặt trận Lào và Campuchia rồi đến miền Bắc Việt Nam trong bom đạn, vượt Vĩ tuyến 17 từ miền Bắc vào vùng giải phóng miền Nam, ông đã chụp được nhiều tấm ảnh ở những thời điểm quan trọng. Trong số phóng viên nhiếp ảnh thế giới chuyên về Việt Nam, hiếm có người hoạt động được lâu dài, chụp ảnh cả ngoài mặt trận ở cả hai miền như anh Isicaoa... ảnh phóng sự của Isicaoa đã tố cáo mãnh liệt thực trạng cuộc chiến tranh, đã tạo nên ảnh hưởng to lớn trong dư luận đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược này... Đối với lần xuất bản này, tập ảnh tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi lịch sử thế giới đến người chủ chính là nhân dân Việt Nam”.


Tháng 4/1998, Isicaoa tổ chức triển lãm ảnh tư liệu về Việt Nam mang tên Chiến tranh và hòa bình Việt Nam 35 năm tại Tokyo và sau đó là một số thành phố khác ở Nhật Bản. Đến đâu, khi nói chuyện với giới trẻ Nhật ông cũng trình bày những trải nghiệm của mình về chiến tranh và không quên nhấn mạnh rằng: “Tôi là người bạn thân thiết của Việt Nam”.


Với suy nghĩ “Người chủ đích thực của bộ ảnh là nhân dân Việt Nam”, Isicaoa đã tặng toàn bộ bộ ảnh gồm 260 bức của mình cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng đã tặng bảo tàng này bộ trang phục cùng chiếc máy ảnh ông đã dùng tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam.


Sau gần 45 năm Isicaoa gắn bó với Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của ông cho sự phát triển văn hóa thông tin và cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, năm 2003, Bộ văn hóa - Thông tin Việt Nam đã trao tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin. Năm 2005, ông lại sang Việt Nam và đi thăm lại một số nơi từng đi qua. Ông tâm sự: “May mắn còn sống nên 40 năm qua tôi sống và làm nghề với triết lý: Mạng người là quan trọng nhất. Tôi đã dùng nhiếp ảnh như một công cụ để phản đối tất cả những điều gì hủy diệt mạng sống con người”.

Phan Sỹ Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN