Tín dụng chính sách cho học sinh, sinh viên: Người dân được hưởng bình đẳng về đào tạo

“Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị giữ nguyên đối tượng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, nhưng cùng lúc phải lo cho nhiều con đi học”. Ông Dương Văn Bá (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết như vậy sau khi kiểm tra việc thực hiện chương trình tín dụng cho HSSV ở các địa phương.

Xin ông cho biết các đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá về chương trình tín dụng HSSV như thế nào?

Nhờ được tiếp cận vốn tín dụng HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất...) có thêm động lực giúp con em mình tham gia học tập. Còn HSSV thì yên tâm theo học, nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả tốt. Nhà trường cũng qua đó ổn định tình hình học tập của HSSV.

Thông qua các đợt kiểm tra thực tế tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền núi phía Bắc…, các đoàn công tác của Bộ đã nhận được những ý kiến đánh giá hết sức sâu sắc của lãnh đạo các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về chương trình tín dụng HSSV. Quan trọng hơn, tín dụng HSSV đã giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được hưởng sự bình đẳng về đào tạo; được hỗ trợ kinh phí để con em họ có thể theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề... Như vậy, tín dụng HSSV đã góp phần vào việc bổ sung lực lượng lao động có tay nghề cho xã hội, nhất là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các khu công nghiệp đang hình thành và phát triển. Và cũng thông qua đó, một bộ phận lao động trong xã hội có được việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình họ.

Theo ông, mức cho vay 900.000 đồng/tháng/người hiện nay có cần điều chỉnh?

Mục đích của Chương trình tín dụng HSSV là hỗ trợ một phần kinh phí cho HSSV trang trải trong quá trình học tập như: Tiền học phí, chi phí sách vở, tài liệu... Do đó, nguồn vốn vay từ chương trình này không thể đảm bảo đủ để HSSV trang trải tất các chi phí trên mà các gia đình phải cùng hỗ trợ các em bằng các nguồn khác.

Làm thủ tục cho HSSV vay vốn tại phòng giao dịch NHCSXH Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Trong điều kiện giá cả tăng cao như hiện nay thì mức vay 900.000 đồng/tháng/HSSV là thấp, không ít gia đình nghèo sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc chu cấp kinh phí cho con em đi học. Trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ - TTg cũng đã có các ý kiến đề nghị tăng mức cho vay. Tuy nhiên, đề xuất này cần được xem xét, cân nhắc. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án phù hợp với điều kiện cụ thể về việc cân đối nguồn vốn và điều chỉnh mức cho vay HSSV.

Dự thảo Nghị định về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (thay thế Nghị định 78/2002/NĐ-CP) do Bộ Tài chính xây dựng có điểm mới là đối tượng vay vốn HSSV chỉ là con các hộ nghèo. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ - TTg, chúng tôi thấy các đối tượng đang được vay vốn hiện nay (bao gồm HSSV là con hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất - PV) là hợp lý. Các đối tượng này thực sự cần nhận được sự hỗ trợ của chương trình tín dụng HSSV để tiếp tục có điều kiện đến trường và hoàn thành được chương trình học tập của mình, tạo dựng cho bản thân một nghề để sinh sống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giữ nguyên đối tượng được vay vốn theo Quyết định 157/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, nhưng cùng lúc phải lo cho nhiều con đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và phổ thông. Theo tiêu chí xác định hộ nghèo thì những gia đình này không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo, khi không có con đi học đại học, cao đẳng thì chi phí hàng tháng không nhiều và vẫn đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, khi có 2 con đi học đại học, cao đẳng thì chi phí mỗi tháng tăng lên rất nhiều, do đó đã làm cho tổng chi phí hàng tháng của các hộ này tăng lên, dẫn đến tình trạng các gia đình có mức thu nhập trung bình không đủ khả năng cung cấp tài chính cho các con theo học.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Cảnh (thực hiện)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN