Tìm giải pháp thu hút du khách

Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng lượng du khách đến nơi này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Năm du lịch Quốc gia 2014 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” đã đi được hơn nửa chặng đường. Tuy nhiên lượng khách đến Tây Nguyên tăng không nhiều. Trước tình hình này được Ban chỉ đạo Năm du lịch Quốc gia 2014 tìm giải pháp tăng thu hút khách.

 

Các hoạt động còn đơn lẻ


Theo ông Đoàn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó trưởng Ban tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2014 - Tây Nguyên, dù là tỉnh có thế mạnh nhất trong khu vực về phát triển du lịch nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014 lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 2,3 triệu lượt khách, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó khách quốc tế là 130.000 lượt, khách nội địa hơn 2,1 triệu lượt. Mức tăng trưởng này không như kỳ vọng.

 

Khu du lịch Thung lũng Vàng - một trong những địa danh “sơn thủy hữu tình” ở Đà Lạt (Lâm Đồng).Ảnh:Thanh Tùng-TTXVN


Lượng khách đến với các tỉnh khác của khu vực Tây Nguyên cũng trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân là việc kết nối giao thông từ thành phố trung tâm của khu vực như Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tới các điểm du lịch và nhiều tuyến đường tiếp giáp giữa các địa phương đang trong giai đoạn thi công, ảnh hưởng tới công tác tổ chức tour du lịch.


Bên cạnh đó, các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật tổ chức tại các tỉnh trong khu vực chưa phát huy hiệu quả do chưa kịp thời cung cấp thông tin quảng bá các sự kiện đến các cơ quan thông tấn báo chí, các hãng lữ hành… để thu hút khách. Trong 5 tỉnh cùng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2014 thì chỉ có Đà Lạt (Lâm Đồng) có điều kiện cơ sở vật chất, tiềm lực làm du lịch. Các tỉnh còn lại như Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai đều chưa có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực làm du lịch. Xét về tổng thể, việc liên kết của giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên còn mạnh ai nấy làm dẫn đến hiệu ứng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch không cao.


Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour, trưởng nhóm liên minh kích cầu du lịch miền Bắc cho rằng: Tây Nguyên là vùng có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Thực tế xét về đường hàng không, sự kết nối từ Hà Nội tới Đà Lạt hoặc Buôn Ma Thuột khá tốt với việc nhiều tuyến bay của Vietnam Airline và VietJet.

Tuy nhiên, không chỉ trong năm du lịch Quốc gia 2014 mà từ trước tới nay, công tác quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch của các tỉnh khu vực Tây Nguyên chưa nổi bật nên chưa thu hút sự quan tâm của du khách. Khi khách đến văn phòng tìm hiểu, nhân viên rất vất vả để tư vấn. Hiện chỉ có Đà Lạt là điểm du lịch nghỉ dưỡng, có dịch vụ du lịch khá ổn định, còn lại các điểm đến khác chỉ mang tính khám phá. Thường Tây Nguyên hấp dẫn khách theo mùa như tháng 3 đi ngắm hoa cà phê; mùa hè đi khám phá, thăm quan; mùa thu gắn với mùa hoa dã quỳ, du lịch trăng mật.


Đại diện các doanh nghiệp du lịch phía Nam đánh giá, chỉ có Đà Lạt hấp dẫn với nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, điểm đến Đà Lạt thường quá tải vào ngày lễ tết khiến giá cả tăng chóng mặt, xảy ra tình trạng “chặt chém”. Trong khi các điểm đến khác chỉ thu hút khách trẻ tuổi với mong muốn khám phá sự mới lạ.


Chủ động liên kết vùng


Để thu hút khách quốc tế, theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch cần liên kết vùng. Lợi thế nhất là liên kết giữa Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung. “Tây Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng và tập trung về du lịch văn hóa, lễ hội; trong khi các tỉnh duyên hải miền Trung chủ yếu phát triển du lịch biển đảo. Vì vậy, sự liên kết hai yếu tố này để ngành du lịch có sự hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau sẽ đáp ứng nhiều phân khúc, thị trường du khách khác nhau tạo bước phát triển mạnh mẽ về du lịch”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết. Thực tế từ đầu năm đến nay, khi Lâm Đồng liên kết với Nha Trang (Khánh Hòa) - Bình Thuận thì lượng khách Nga lên Đà Lạt đã đạt 15.000 lượt.


“Đối với khách nội địa, hiện nhóm liên minh các doanh nghiệp lữ hành kích cầu tại Hà Nội đang triển khai tuyến du lịch liên kết từ Nha Trang - Đà Lạt; hoặc Buôn Mê Thuột - Quy Nhơn. Dịp hè vừa rồi bình quân mỗi tuần có một đoàn thăm quan liên tuyến như trên, du khách vừa có thể thăm quan biển và nghỉ dưỡng trên núi”, ông Nguyễn Công Hoan cho biết.


“Trong khi đó nhóm khách quốc tế, khu vực Tây Nguyên hấp dẫn khách ưa khám phá, mạo hiểm, nhất là các tour xe đạp đi xuyên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khách quốc tế chọn điểm đến Tây Nguyên thường là khách Âu, trẻ tuổi. Trong khi đó khách có thu nhập đi theo tour truyền thống ít khi chọn Tây Nguyên bởi khâu quảng bá xúc tiến hình ảnh kém. Doanh nghiệp du lịch khi đi xúc tiến du lịch nước ngoài ít giới thiệu các điểm đến Tây Nguyên; trong khi quảng bá, xúc tiến hình ảnh từ Tổng cục Du lịch và chính các tỉnh khu vực này cũng ít”, ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty lữ hành VietVison nhận xét.


Để đẩy mạnh thu hút khách đến với Tây Nguyên, liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng, nhất là liên kết giữa tỉnh Lâm Đồng với các thị trường khách lớn trong nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cần được các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông.


Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Lâm Đồng và các tỉnh sớm đưa ra nhiều chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách du lịch nội địa. Việc này cần có sự vào cuộc của hàng không đối với khách đến từ thị trường ngoài Bắc. Về lâu dài, Lâm Đồng nên thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng từ các nước nhiệt đới trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…


Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, trưởng Ban chỉ đạo Năm du lịch quốc gia 2014 - Tây Nguyên cho rằng: “Bên cạnh đưa các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Tây Nguyên, các tỉnh thành cần kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục chủ động tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế để tăng cường quảng bá cho du lịch Tây Nguyên nói chung và Đà Lạt nói riêng. Đặc biệt, các tỉnh cần tích cực phối hợp liên kết trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao du lịch, các sự kiện để kết nối tour tuyến. Khi xây dựng sản phẩm cần có kết hợp quảng bá thông qua lữ hành, truyền thông kết hợp với các gói kích cầu du lịch để thu hút thêm khách du lịch đến với Tây Nguyên”

 

Cần có chiến lược dài hạn cho ngành du lịch

Trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị đầu tàu, là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về du lịch, vì vậy ngoài quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế chung của Chính phủ, Bộ phải có chiến lược riêng, trọng điểm và dài hạn cho ngành du lịch. Chỉ có như thế mới có thể phát huy hết thế mạnh của từng tỉnh, từng vùng, tránh đầu tư chung chung, dàn trải, dẫn đến kém hiệu quả. Hiện nay vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam chưa lớn, vì vậy trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch để tạo ra tiếng nói chung, làm cho vai trò của Hiệp hội mạnh lên, góp phần tạo động lực để các tỉnh, thành phố có thêm điều kiện phát triển du lịch.

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ

Nên chọn ra những tỉnh có thế mạnh

Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch các tỉnh miền núi và vấn đề liên kết như thế nào cho đúng, hiệu quả. Nếu để cả 8 tỉnh miền Trung cùng liên kết với Tây Nguyên sẽ không hiệu quả. Do đó nên chọn ra những tỉnh có thế mạnh du lịch, sản phẩm tương đồng để liên kết với nhau, từ đó sẽ tạo kết quả tốt hơn.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch Thừa Thiên - Huế

Vẫn nghèo nàn về sản phẩm du lịch

Vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch là cần “giữ chân” du khách ở lâu hơn và “mua” được nhiều sản phẩm du lịch hơn, qua đó nhằm tăng nguồn thu cho địa phương và người dân. Thế nhưng, những sản phẩm du lịch ở Đắk Lắk rất nghèo nàn, đơn điệu và trùng lắp; thiếu các dịch vụ đi kèm, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao. Ngoài “đặc sản” du lịch về Voi thì ngành du lịch Đắk Lắk vẫn chưa tạo ra được những sản phẩm hấp dẫn, mang đậm bản sắc Đắk Lắk. Hầu hết các điểm du lịch ở Đắk Lắk đều có các sản phẩm du lịch như nghe diễn tấu cồng chiêng, đi thuyền độc mộc, ăn cơm lam, uống rượu cần, ngắm thác nước…

Ông Đinh Một, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk

“Một đi không trở lại”

Sự “sao chép” vừa làm mất tính đặc trưng riêng của điểm du lịch, vừa tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách tham quan, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh trong du lịch. Nhiều người cho rằng chỉ cần đến một điểm là biết được cả ngành du lịch Đắk lắk. Bởi thế, du khách đến với Đắk Lắk thường “một đi không trở lại”.

Ông Nguyễn Đức, Phụ trách Trung tâm
Du lịch sinh thái Bản Đôn

 

 

Xuân Minh

Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách Nga
Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách Nga

Theo một bài báo Pháp, lượng du khách Nga lựa chọn Việt Nam là điểm nghỉ dưỡng trong các kỳ nghỉ ngày càng gia tăng trong những năm qua, đặc biệt các bãi biển tuyệt đẹp mà giá cả hợp lý như Mũi Né ở thành phố Phan Thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN