Tìm giải pháp điều trị tối ưu viêm gan virus B và C

Hội thảo khoa học "Viêm gan vi rút B và C: Tiếp cận điều trị tối ưu cho bệnh nhân châu Á", do Văn phòng đại diện Hoffmann-La Roche tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội ngày 27/4. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước.


Tư vấn miễn phí cho bệnh nhân viêm gan B,C.


Tại hội thảo, các chuyên gia và các bác sĩ chuyên khoa đã cùng trao đổi những kinh nghiệm mới trong việc tối ưu hóa điều trị, đem lại cơ hội lành bệnh cho bệnh nhân viêm gan B và C tại Việt Nam và các nước châu Á – nơi hiện có tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao nhất thế giới.


Theo GS.BS Mai Hồng Bàng – Tổng thư ký Hội gan mật Việt Nam, với việc ngày càng gia tăng các ca nhiễm vi rút viêm gan có khả năng biến chứng thành xơ gan, phá hủy gan và thậm chí dẫn tới ung thư gan, việc điều trị viêm gan virus B và C nên được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.


“Viêm gan B và C là căn bệnh thực sự rất nguy hiểm tại Việt Nam, khi mà con số các ca nhiễm bệnh ngày càng tăng thì việc đương đầu và kiểm soát căn bệnh sẽ hết sức phức tạp. Việc khoảng 13,5 triệu người nhiễm viêm gan vi rút B, hơn 3,5 triệu người nhiễm viêm gan vi rút C, đã đặt ra một thách thức lớn cho các chuyên gia và bác sỹ Việt Nam trong việc tìm ra giải pháp đương đầu với căn bệnh”, GS.BS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh.


Theo GS.BS Mai Hồng Bàng, người dân nên chủ động đi khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh để phát hiện sớm và điều trị bệnh viêm gan vi rút B & C hiệu quả. Việc lựa chọn các phương pháp điều trị tân tiến sẽ giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội lành bệnh hơn.


Tại hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ về việc sự lựa chọn các phương pháp điều trị tiên tiến bệnh viêm gan vi rút C trên thế giới giúp bệnh nhân nhiễm viêm gan vi rút C khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những phương pháp này vẫn chưa phù hợp với các nước châu Á vì giá thành còn khá cao và phác đồ điều trị PEG-IFN-2a vẫn là phác đồ chuẩn phù hợp cho bệnh nhân ở các nước châu Á và Việt Nam. Đặc biệt, bệnh nhân châu Á đa phần mang gen IL28cc, vì vậy sẽ đáp ứng tốt với PEG-IFN/Ribavirin, tỷ lệ đạt SVR (đáp ứng vi rút bền vững) từ 79-85%, ngay cả với bệnh nhân viêm gan vi rút C kiểu gen 1. Bệnh nhân viêm gan vi rút C Việt Nam vẫn có cơ hội được khỏi bệnh với liệu pháp chuẩn PegIFN/RBV. 


Trên thế giới có khoảng 500 triệu người nhiễm viêm gan vi rút B và C mạn tính, và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Ước tính Việt Nam có khoảng 10-15% dân số bị nhiễm vi rút viêm gan B, 4-5% nhiễm vi rút viêm gan C. Viêm gan vi rút B và C mạn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu của xơ gan và ung thư gan, được giới chuyên môn xem là “sát thủ thầm lặng”, do hầu hết người bị nhiễm 2 loại vi rút này không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu – và có thể tới vài chục năm – cho đến khi bệnh bùng phát.



P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN