Tiếc thương người thầy thuốc của nhân dân

Tin Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đột ngột ra đi đã khiến nhiều cán bộ trong ngành y tế, giáo dục và người quen biết Giáo sư vô cùng thương tiếc. Do tuổi cao sức yếu, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Cư Xá Bắc Hải (Quận 10, TP Hồ Chí Minh), hưởng thọ 95 tuổi. Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã đóng góp rất nhiều công lao cho quân đội nhân dân Việt Nam, ngành Y tế và nền giáo dục nước nhà.


Người chiến sỹ yêu nước


Ông sinh ra và lớn lên tại làng Phương Trà, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Từ thửa nhỏ, GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã tỏ ra là người thông minh, lanh lợi. Khi học hết tiểu học, ông được gia đình gửi lên Mỹ Tho để học ban thành Trung. Sau đó, ông vào học tiếp tú tài tại trường Trung học Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh). Năm 1939 ông tốt nghiệp tú tài và đây là khóa học sinh đầu tiên ở Đông Dương được cấp bằng tú tài mà không bị phân biệt kỳ thị là tú tài bản xứ hay tú tài tây. Tốt nghiệp loại ưu, ông được cấp học bổng sang Pháp du học, tuy nhiên chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Thiện Thành sớm giác ngộ được rằng đây là âm mưu của chế độ thực dân nhằm đào tạo thế hệ tay sai mới. Vì vậy, ông và gia đình đã nhất quyết từ chối và ông đã chọn cách thi vào Đại học Y khoa Đông Dương.

 

GS.TS Nguyễn Thiện Thành (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm với GS .TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống nhất.


Vốn là người yêu nước nên những năm tháng học tập tại Hà Nội, ông ý thức sâu sắc hơn về vận mệnh của đất nước, dân tộc, đặc biệt là tiến trình cách mạng. Thay vì bỏ trường về Nam theo lời kêu gọi "hướng về Nam” như hàng loạt sinh viên khác, sinh viên Nguyễn Thiện Thành chọn cách ở lại tập trung hoàn thành việc học, đồng thời bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh, giúp mua và hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc men cũng như sẵn sàng lên chiến khu khi có lệnh.

 

Vì những cống hiến lớn lao của ông, GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985. Đến năm 1989, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.


Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, người bác sĩ trẻ Nguyễn Thiện Thành hăng hái tham gia biểu tình cướp chính quyền, sau đó được bầu vào Hội đồng nhân dân Bệnh viện Bạch Mai. Ngày tiếng súng “Nam bộ kháng chiến” vang lên, ông cùng nhiều anh em khác là bác sĩ, trí thức... tham gia lớp tập huấn quân sự để sẵn sàng trở về miền Nam chiến đấu. Đến tháng 10/1945 ông gia nhập chi đội Nam Tiến Vi Dân và chính thức đứng vào hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ.


Trở lại miền Nam, người chiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã dốc hết tài năng y khoa của mình để phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Tại đây, ông đã xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ phẫu thuật phục vụ cho mặt trận Bồ Keo (Khu V). Đến năm 1947, ông vào chiến trường Nam Bộ và được cử làm Vụ Trưởng Quân y khu IX rồi trở thành Trưởng phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam bộ.


Vị cứu tinh của thương binh


Với sự hăng hái nhiệt tình của mình, ông hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1950, ông bị địch bắt trong một lần về công tác tại quê nhà (tỉnh Trà Vinh). Sau khi bị bắt, thực dân Pháp chuyển ông qua khắp các nhà lao ở Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long và Sài Gòn. Mặc dù bị địch bắt và dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc, song người chiến sĩ, bác sĩ trẻ vẫn một lòng theo kháng chiến. Chính trong những ngày bị tù đày, ông đã học hỏi được nhiều tiến bộ y khoa, khi một người lính bên kia chiến tuyến vì nể phục tài năng đã giúp cho ông có được tài liệu khoa học về lĩnh vực y tế. Từ những tài liệu quý giá này, ông đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu mang tên Filatov ngay sau khi ra tù.

Lễ viếng GS.TS Nguyễn Thiện Thành được tổ chức từ 9 giờ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 12/10 tại nhà tang lễ Bộ quốc Phòng (Số 5 Phạm Ngũ Lão, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Lễ truy điệu và đưa tang tổ chức lúc 13 giờ ngày 12/10, an táng tại nghĩa trang TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức). GS.TS, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thiện Thành là thân sinh của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ.


Phương pháp Filatov được ông tìm ra để chữa bệnh cho các chiến sĩ, được sáng tạo trong hoàn cảnh ngành y tế đang khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Vào ngày 7/11/1951, phương pháp Filatov chính thức được sử dụng và điều trị tại chiến trường miền Tây Nam bộ, đem lại những kết quả hết sức khả quan cho người bệnh. Ông được mệnh danh là vị cứu tinh của thương binh từ đó. Đây là phương pháp chữa bệnh dựa trên nền tảng Filatov - phương pháp chữa bệnh do giáo sư N. P. Filatov (người Anh, sống tại thành phố Odessa - Nga) nghiên cứu và phát minh. Phương pháp này được áp dụng trên nguyên lý biện chứng: khi các tế bào bị cắt lìa khỏi cơ thể và đem đặt vào một môi trường kìm hãm sự sống như bỏ vào tủ lạnh từ 0 đến 4 độ C, tế bào này phải đấu tranh với nghịch cảnh để tồn tại. Trong khi đấu tranh để sống còn, tế bào ấy tiết ra một chất gọi là biostimuline giúp cơ thể chống lại bệnh tật.


Năm 1954, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc và được Đảng, Nhà nước cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện thần kinh cao cấp thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Hoàn thành khóa học trở về nước, cũng chẳng lâu sau đó, ông lại xung phong vào chiến trường B2 tiếp tục công tác nghiên cứu y học. Vào những năm 1970 - 1971, ông được giao nhiệm vụ giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo. Với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, ông đã tìm hiểu và đưa ra được nhiều phương pháp điều trị đối với bệnh nhân lớn tuổi. Sau khi đất nước thống nhất, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương, kiêm Giám đốc bệnh viện Thống Nhất. Vào năm 1982, ông đã phối với với Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 nghiên cứu thành công dược phẩm mới là Kaglutam và Spirulina Linavina, một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về gan, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.


Người đặt nền móng cho ngành lão khoa Việt Nam


Trở về thời bình, giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đồng sự và các thế hệ thầy thuốc đi sau. Những kiến thức mà ông học tập, nghiên cứu cũng như kinh nghiệm thực tế mà ông tích lũy được đều được truyền thụ tận tình cho mọi người.


Nhiều thế hệ trong ngành y học sau này đều cho rằng: Cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là một người có tầm nhìn rất xa, bởi vào thời điểm dân số nước ta còn rất trẻ nhưng ông đã có ý tưởng xây dựng và phát triển ngành lão khoa. “Năm 1986, GS.TS Nguyễn Thiện Thành đã xin thành lập bộ môn lão khoa đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thành lập khoa Lão khoa vào thời điểm lúc bấy giờ không phải dễ dàng như hiện nay. Bởi khi đó dân số nước ta còn trẻ nhưng thầy Thành vẫn đau đáu nghiên cứu và viết sách về những bệnh của người cao tuổi. Với tôi và chắc hẳn là rất nhiều thế hệ y, bác sĩ, thầy Thành không chỉ là một Giáo sư có tâm mà còn rất có tầm”- PGS.TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ.


Mặc dù không được tiếp xúc nhiều với GS.TS Nguyễn Thiện Thành, nhưng PGS.TS Nguyễn Đức Công đã không giấu nỗi xúc động khi nói về bậc thầy mà mình đã kính trọng và ngưỡng mộ. “Dù chỉ mới tiếp xúc với thầy Thành từ năm 2008 tới nay, nhưng lần tiếp xúc nào cũng khiến tôi ấn tượng. Ấn tượng về hình ảnh một nhà khoa học nghiêm túc, luôn đúng giờ nhưng cũng khá hài hước. Ông là người có công rất lớn cho ngành lão khoa của Việt Nam và là người có công gầy dựng nên bệnh viện Thống Nhất ngày hôm nay. Bên cạnh đó, có thể nói ông là một trong những nhà giáo, nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu về lão khoa ở Việt Nam. Hiện bộ môn Lão khoa của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh là một bộ môn mạnh, được đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lão học. Hiện nay, việc điều trị cho người già là một trong những nỗi quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay và đã được giáo sư Nguyễn Thiện Thành đi trước nghiên cứu”.


Cuộc đời ông, hết gắn liền với công tác chăm sóc người bệnh thì gắn liền với công tác giảng dạy, truyền thụ những kiến thức của mình cho các thế hệ tiếp nối. Mặc dù đã bước qua tuổi 80, sức đã yếu, nhưng ông vẫn hăng hái tham gia giảng dạy. Ngoài ra, để giúp học sinh nghèo hiếu học của tỉnh Trà Vinh tiếp tục được đến trường, ông còn tham gia thành lập quỹ học bổng. Nguồn động viên này đã khuyến khích nhiều học sinh, sinh viên nghèo tiếp bước trên con đường học tập và nghiên cứu như nguyện vọng của ông.


Hoàng Tuyết- Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN