Thủ tướng Ai Cập bị tấn công

Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập đưa tin, một đám đông người biểu tình đã lao vào tấn công Thủ tướng Hisham Qandil khi ông đến dự lễ cầu nguyện cho 16 binh sĩ Ai Cập bị sát hại trong vụ tấn công khủng bố hôm 5/8. Lễ cầu nguyện được tổ chức ngày 7/8 tại thủ đô Cairo.

Thủ tướng Hisham Qandil tham dự lễ cầu nguyện trong Đền thờ Hồi giáo Al-Rashdad và rời ngôi đền này dưới sự hộ tống của lực lượng quân đội. Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, Thủ tướng Qandil vẫn bị những người biểu tình đuổi theo và lao vào tấn công. Họ cáo buộc ông "giết hại nhiều binh sĩ" khi ông quyết định đưa binh sĩ tới các khu vực biên giới trong điều kiện an ninh không được đảm bảo.

Tham dự buổi lễ cầu nguyện có hàng nghìn người, trong đó có người đứng đầu Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) Hussein Tantawy. Tổng thống Mohamed Morsi đã quyết định không tham dự vì lý do an ninh.

Tổng thống Mohamed Morsi phát biểu trước cuộc họp khẩn cấp tại Cairo, ngày 5/8. Ảnh: AFP-TTXVN


 

Trước đó, vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào một đồn biên phòng gần biên giới với Isarel (Ixraen) đã sát hại 16 binh sĩ Ai Cập. Vụ tấn công xảy ra đêm 5/8, khoảng 35 tay súng đã xả súng vào lính biên phòng Ai Cập ở cửa khẩu biên giới Rafar giáp với Dải Gaza của Plastine (Palextin), sau đó vượt biên giới vào Isarel.

Phía Isarel cho biết đã tiêu diệt ít nhất 8 tay súng trên lãnh thổ của nước này. Theo tuyên bố của Các lực lượng vũ trang Ai Cập, có nhiều đạn pháo bắn sang từ phía Dải Gaza trong lúc những kẻ tấn công tìm cách lái xe vượt qua cửa khẩu biên giới giữa Ai Cập và Isarel. Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza đã cáo buộc Isarel đứng sau vụ tấn công này, song phía Isarel đã lập tức bác bỏ.

Trong ngày 8/8, truyền thông Ai Cập đưa tin những người có vũ trang đã nổ súng vào ba trạm kiểm soát an ninh nằm trên trục đường chính nối thành phố Al-Arish và Rafah trên bản đảo Sinai. Vụ giao tranh giữa lực lượng an ninh và các tay súng đã kéo dài đến đêm, và hiện chưa có báo cáo về con số thương vong. Lực lượng an ninh sau đó đã đóng cửa tuyến đường này.

Bán đảo Sinai rộng lớn là vấn đề cốt lõi trong Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Isarel ký năm 1979. Theo đó, Isarel rút quân khỏi Sinai mà nước này chiếm đóng từ năm 1967, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt số binh sĩ Ai Cập tại đây.

Tuy nhiên, trong năm qua, an ninh trên bán đảo này đã xấu đi nghiêm trọng, các băng nhóm tội phạm, các phần tử cực đoan và các tay súng hoạt động mạnh, làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Tel Aviv và Cairo. Vì vậy, một trong những cam kết của ông Morsi khi nhậm chức Tổng thống Ai Cập là tôn trọng Hiệp ước hòa bình 1979, và ông đã tiếp xúc với phong trào Hamas ở Dải Gaza (giáp với cả Ai Cập và Isarel).


TTXVN/ Tin Tức





Ai Cập công bố nội các mới

Ngày 2/8, Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil đã công bố thành phần nội các mới của nước này, nội các đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Mohamed Mursi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN