Thử lửa với chủ nhà SEA Games

Đang cải tổ nhân sự, nên lối đá thất thường, có lúc gây thất vọng của U23 Việt Nam giai đoạn vừa qua là điều có thể chấp nhận được. Nhưng nhìn sang đội hình đã được chuẩn bị trước cả 3-4 năm của U23 Mianma, thấy chạnh lòng khi U23 Việt Nam đang thiếu đi một kế hoạch dài hơi để hiện thực hóa giấc mơ vô địch SEA Games.

 

 

U23 Việt Nam (áo sẫm) vẫn thiếu sự kết dính trong lối chơi. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Ngoại trừ chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam chưa có thêm danh hiệu nào khác ở sân chơi Đông Nam Á. Đấu trường SEA Games thì như một lời nguyền: U23 Việt Nam liên tục thất bại ngay trước ngưỡng cửa "thiên đường". Lần này cũng vậy, cái dớp thất bại vẫn ám ảnh U23 Việt Nam, ngay từ giai đoạn chạy đà.


HLV Hoàng Văn Phúc đang đứng trước một nhiệm vụ khó khăn: Xây dựng một đội hình đủ sức vào chung kết SEA Games 27. Nhìn vào danh sách U23 Việt Nam hiện nay, chỉ có Trần Bửu Ngọc, Lê Văn Thắng, Nguyễn Văn Quyết, Dương Thanh Hào..., là số ít tuyển thủ từng dự SEA Games 26. Còn lại đều là các cầu thủ non kinh nghiệm, không ít người thậm chí hiện chỉ đá ở giải hạng Nhất.


Trận hòa 2-2 với CLB Kashima Antlers của Nhật Bản vừa qua mang đúng tính chất của một trận giao hữu. Đối thủ tới từ J-League không đưa sang Việt Nam đội hình mạnh nhất và chỉ chơi cầm chừng, nhưng họ thể hiện rõ phong thái chuyên nghiệp, đẳng cấp. Chỉ cần một pha xử lý đơn giản hoặc phối hợp một chạm, đã đủ khiến U23 Việt Nam vất vả chống đỡ. Nhưng cũng phải nhìn nhận góc độ tích cực là U23 Việt Nam đã nỗ lực để chứng tỏ mình. Dù lối chơi chưa được mài sắc, nhưng tố chất thì từng cầu thủ đều có sẵn. Tiền vệ Vũ Minh Tuấn có pha đá phạt ghi bàn hiểm hóc. Hậu vệ Lê Quang Hùng có những pha bứt tốc cực hay ở cánh phải. Văn Quyết cũng đang chứng tỏ được vai trò thủ lĩnh của đội.


Tuy nhiên, sơ đồ 4-5-1 mà HLV Hoàng Văn Phúc xây dựng chưa thực sự hợp lý, có cảm giác bị rập khuôn với những người tiền nhiệm. Hàng thủ dù có sự hỗ trợ của Huy Hùng - Minh Tuấn, nhưng vẫn lộ nhược điểm: Chuyền bóng sai địa chỉ, chơi thiếu tập trung, hệt như những năm trước. Đáng lo hơn là chất lượng của đội hình chính và dự bị có khoảng cách lớn. Điều này đã lộ rõ trong các trận giao hữu thắng Than Quảng Ninh 4-2, rồi thua 1-3 trước Hà Nội T&T.


Gần nhất, U23 Việt Nam đã bị Hà Nội T&T dạy cho một bài học. Trước lối đá bật tường nhỏ, tốc độ và dàn trải toàn sân của các “đàn anh”, U23 Việt Nam mới thêm hiểu mình đang ở đâu. Trớ trêu thay, khi Hà Nội T&T dùng đội hình dự bị ở hiệp 2, U23 Việt Nam lại thua thêm 2 bàn. Khâu bọc lót, chia cắt các tuyến của đối thủ đã không được các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc làm tốt.


Nhiều câu hỏi đang đặt ra cho ông Phúc. U23 Việt Nam vẫn thiếu sự kết dính giữa các cầu thủ, do họ chưa đá nhiều với nhau, dẫn đến chưa thể hiện được ý đồ của HLV. Ở hàng công, trung phong Mạc Hồng Quân đã 3 trận qua không ghi bàn. Trong khi đó, ông Phúc chưa dám mạnh dạn trở lại sơ đồ 4-4-2, dù đang sở hữu Hà Minh Tuấn - tiền đạo được mệnh danh là "Huỳnh Đức đệ nhị".


Trận giao hữu chiều 11/6 với chủ nhà SEA Games 27 sẽ cho thấy rõ hơn thầy trò Hoàng Văn Phúc cần cải thiện ở những điểm nào. Nên nhớ, U23 Mianma đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ 4 năm trước. Nhiều cầu thủ U19 của họ đã được đôn lên dự SEA Games 2011 và bất ngờ giành Huy chương đồng. Những cầu thủ như Kyaw Ko ko, Kyi Lin, Zaw Min Tun, Kyaw Zayar Win..., thậm chí lúc này đã là trụ cột ở đội tuyển. Lối chơi của U23 Mianma dưới thời HLV Park Sung-Hwa là sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm, đầy tính kỷ luật. Họ được đánh giá sẽ chen chân vào cuộc đua tới ngôi vô địch SEA Games cuối năm nay.


Còn với U23 Việt Nam vẫn là kế hoạch ngắn hạn. Số tuyển thủ từng trải trận mạc chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Điểm yếu lộ ra sau những trận giao hữu vừa qua nhiều đến mức ông Phúc cảm thấy bối rối trước trận thử lửa với U23 Mianma. Thật đáng lo!

 

Nguyễn Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN