Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi

Các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới phiên 9/8 tiếp tục giao dịch trong bầu không khí ảm đạm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo khác trên thế giới không thể khôi phục niềm tin của giới đầu tư.

Một nhà đầu tư chứng khoán Ấn Độ theo dõi giá cả thị trường tại Mumbai. Ảnh: AFP/TTXVN


Hầu hết các TTCK châu Á kết thúc phiên 9/8 đều tiếp tục giảm điểm sau khi đã sụt giảm mạnh trong ngày hôm trước. Trong đó, thị trường Nhật Bản mất 1,68%, Hàn Quốc giảm 3,63% còn Hồng Công sụt tới 5,66% giá trị.

Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ lúc mở cửa, các chỉ số chứng khoán đã “xanh” trở lại do hoạt động gom cổ phiếu giá rẻ của giới đầu tư. Hi vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ có hành động hỗ trợ nền kinh tế cũng giúp giá cổ phiếu tăng phần nào. Lúc 23 giờ 40 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 2,13%, lên 11.029,65 điểm; Nasdaq tăng 3,69%, lên 2.443,10 điểm; S&P500 tăng 2,85%, lên 1.151,39 điểm. Ngày trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã lao dốc không phanh. Chỉ tính riêng trong ngày 8/8, TTCK Mỹ đã mất 1.000 tỷ USD – mức thiệt hại lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trước đó, ngày 9/8 (giờ Việt Nam), trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi Mỹ bị hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đánh tụt hạng tín nhiệm, Tổng thống Obama cho rằng việc chỉ số tín dụng của Mỹ bị tụt xuống mức AA+ không phản ánh tình trạng thực tế của nền kinh tế Mỹ. Ông Obama khẳng định Mỹ "sẽ luôn luôn là một quốc gia hạng AAA".

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thừa nhận những khó khăn tài chính của kinh tế Mỹ, song cho rằng các vấn đề kinh tế của đất nước có thể giải quyết được nếu đủ quyết tâm chính trị. Ông hy vọng việc Standard & Poor's đánh tụt chỉ số tín dụng của Mỹ sẽ giúp các nghị sĩ Mỹ ý thức được rằng phải khẩn trương giải quyết thách thức về thâm hụt ngân sách.

Ngay sau đó, Tổng thống Obama đã có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha và Italia để thảo luận về tình hình kinh tế tài chính của hai nước này. Tổng thống Obama đã hoan nghênh các biện pháp mà hai nước này đưa ra để xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.

Trong bối cảnh đó, thị trường xuất hiện một số dự đoán rằng Mỹ có thể tiếp tục bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm tín dụng. Theo nhà chiến lược về nợ Padhriaic Garvey tại ngân hàng ING (Đức), nếu Mỹ tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm tín dụng thì điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với Anh và Pháp, trong đó xếp hạng tín dụng của Pháp đáng lo ngại nhất.

Ông Garvey cũng nhận định, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã chuyển sang giai đoạn nguy cấp. Khu vực tài chính của Pháp sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu Khu vực đồng euro tăng qui mô Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) như đã cam kết. Quỹ này vốn đã quá nhỏ, không thể đủ để bảo lãnh vỡ nợ cho Italia hoặc Tây Ban Nha nếu hai nước này trở thành những quân bài đôminô vỡ nợ công tiếp theo.

Trong khi đó, nhà kinh tế kỳ cựu Holger Schmieding thuộc ngân hàng Berenberg cho rằng khủng hoảng tài chính đã thay đổi bản chất và trở nên nguy hiểm hơn. Ông Schmieding nhận định, cơn hoảng loạn hiện nay trên thị trường tài chính thế giới chỉ có thể chấm dứt nếu FED can dự tích cực bằng một đợt mua trái phiếu thứ ba.

Quang Tuyến - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN