“Thảm họa Nedelin”: Kỳ cuối: Sự thật đằng sau vụ nổ

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev ngay lập tức ra lệnh mở một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ nổ. Ủy ban điều tra đưa ra con số thiệt mạng là 90 người. Con số này bao gồm 74 người bỏ mạng trong vụ nổ đầu tiên (gồm 57 quân nhân và 17 dân thường) và 16 người tử thương sau đó. Thêm hai thi thể người lính bị chết ngạt được tìm thấy sau khi báo cáo chính thức được hoàn thành, nâng tổng số người bỏ mạng trong thảm kịch này lên con số 92. Ngoài ra, còn có 49 người bị thương.


Con số thương vong thực tế vẫn luôn là một điều bí ẩn. Những cuộc điều tra gần đây ước tính tổng số người thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng đó lên đến 200 người. Tuy nhiên, con số có khả năng chính xác nhất là 122 người, trong đó có 74 người bị chết trong vụ nổ và 48 người mất trong những tuần sau đó bởi những vết bỏng hoặc do tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Trong số những nạn nhân này có 84 người là sĩ quan quân đội hoặc những người lính kỹ thuật, 38 người còn lại là kỹ sư dân sự.


 

Tượng đài tưởng nhớ nạn nhân của “thảm họa Nedelin”.

 

Sau quá trình điều tra tìm hiểu nguyên nhân thảm họa, ủy ban điều tra cuối cùng đưa ra kết luận: “Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn là những sai sót trong khâu thiết kế hệ thống điều khiển, dẫn đến việc hoạt động không theo kế hoạch của van EPK V-08. Van này có tác dụng kích hoạt động cơ chính của tầng thứ hai trong quá trình chuẩn bị trước khi phóng tên lửa. Sai sót này đã không được phát hiện trong tất cả các lần kiểm tra trước. Vụ nổ có thể đã không xảy ra nếu người ta điều chỉnh bộ phân phối dòng điện về vị trí số 0 trước khi kích hoạt hệ thống cung cấp điện trên tên lửa”.


Báo cáo này quy kết nguyên nhân dẫn đến sự thiệt hại lớn về sinh mạng là do các quy định về an toàn đã không được tuân thủ. Những người chịu trách nhiệm đã quá tự tin về khả năng hoạt động an toàn của tên lửa R-16 trong những điều kiện khắc nghiệt mà không có sự phân tích đúng mức để chứng minh cho các quyết định của họ.


 

Những mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa R-16 sau vụ nổ.

 

Trước khi nối lại chương trình R-16, ủy ban này đã kiến nghị tiến hành nhiều thử nghiệm hơn đối với hệ thống điều khiển và đánh giá lại các quy trình chuẩn bị trước khi phóng tên lửa để tăng cường các biện pháp an toàn. Ủy ban đề xuất sửa chữa lại bệ phóng tên lửa trong vòng hai tuần và khôi phục chương trình thử nghiệm vào tháng 11 năm đó.


Bất chấp tinh thần lạc quan này, lần phóng tiếp theo đã không được thực hiện cho đến tận tháng 2/1961, và nó cũng kết thúc trong thất bại khi tên lửa bị rơi khi đang bay. Chương trình R-16 của Liên Xô tiếp tục gặp khó khăn sau khi mất đi nhiều kỹ sư tên lửa giàu kinh nghiệm. Và phải đến tận tháng 6/1963, loại tên lửa này mới được sử dụng cho mục đích quân sự. Tên lửa R-16 và phiên bản cải tiến R-16U được sử dụng cho đến tận năm 1974 khi chúng bị loại bỏ theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược lần thứ nhất (START 1) giữa Mỹ và Liên Xô.


Có lẽ một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong “thảm họa Nedelin” là Liên Xô đã che giấu vụ việc này. Nguyên soái Nedelin là Anh hùng Liên Xô trong Thế Chiến II, và cái chết của ông được người ta lý giải là do tai nạn máy bay. Gia đình của các nạn nhân khác cũng không được thông báo sự thật, cho dù nhiều người đồn đoán đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng khi có nhiều đến như vậy các chuyên gia tên lửa chết vào cùng một thời điểm. Phương Tây có nghe được những lời đồn về vụ này từ những kẻ đào tẩu, nhưng câu chuyện thường được thêm “gia vị” nên chưa bao giờ được đánh giá một cách nghiêm túc. Chỉ mãi đến năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, quy mô thực sự của thảm họa Nedelin mới được công bố.


Ngày nay, vị trí của vụ nổ tại Công trường 41 là một khu vực trống trơn, bị bỏ hoang ở rìa sân bay vũ trụ Baikonur. Địa điểm này được đánh dấu chỉ với một tượng đài nhỏ, trên đó ghi tên của những người tử nạn và một bản đồ thể hiện quy hoạch của tổ hợp phóng tên lửa trước đây. Đâu đó ở căn cứ này còn có một quan tài đựng hài cốt của những người không thể nhận dạng. Quan tài này được chôn trong công viên Leninsk Park và có hàng rào bao quanh. Ba năm sau khi xảy ra thảm họa, chính quyền địa phương mới được phép dựng một đài tưởng niệm ở vị trí đó. Danh sách tưởng niệm đề tên 54 nạn nhân của vụ nổ chưa được nhận dạng.

 

Khánh Chi

“Thảm họa Nedelin”: Kỳ 2: Sơ suất chết người
“Thảm họa Nedelin”: Kỳ 2: Sơ suất chết người

Đáng lẽ người ta phải rút hết nhiên liệu trong buồng chứa ra trước khi bắt đầu sửa chữa nhưng Nguyên soái Nedelin không đồng ý với phương án này bởi như thế thời gian phóng tên lửa sẽ bị trì hoãn ít nhất là vài giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN