Tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản

Căng thẳng Nhật - Trung lại gia tăng sau khi 6 tàu Trung Quốc đã tiến vào khu vực quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông sáng 14/9. Trong khi đó, các nguồn tin chưa kiểm chứng cho biết, chính phủ Nhật Bản ngày 13/9 đã khuyến cáo công dân nước này tại Trung Quốc chú ý bảo đảm an toàn sau khi có tin một số công dân Nhật Bản bị hành hung hoặc quấy rối tại Thượng Hải (Trung Quốc).


 

Tàu hải giám Trung Quốc tuần tra gần vùng đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông ngày 14/9/2012.

 

Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, sáng 14/9, 6 tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo thông báo, hai tàu Hải giám 51 và Hải giám 56 của Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh đảo Taisho lúc 6 giờ 20 (giờ địa phương), sau đó 4 tàu khác vào vùng biển quanh đảo Kuba lúc 7 giờ 5 phút. Đến khoảng 8 giờ, hai tàu hải giám Trung Quốc đã rời đi.


Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, Nhật Bản đã thành lập phòng đặc nhiệm tại Trung tâm Giải quyết khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng và lực lượng đặc nhiệm tại Cơ quan cảnh sát quốc gia để giải quyết vấn đề trên. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố Tôkyô "sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể" để đảm bảo an ninh xung quanh quần đảo Nhật Bản khẳng định chủ quyền.


Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận "hai tàu hải giám Trung Quốc đã tới vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư để bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp", cho biết các hoạt động này "nhằm chứng tỏ quyền tài phán của Trung Quốc" đối với các đảo trên.


Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã lập tức triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, Trình Vĩnh Hoa đến để phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.


Cùng ngày, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông đã trình Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon văn bản của chính phủ Trung Quốc xác định ranh giới quần đảo Điếu Ngư mà Bắc Kinh nhận chủ quyền. Theo điều 16 trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tất cả các quốc gia ven biển phải trình TTK LHQ bản đồ ranh giới vùng biển và quần đảo nhận chủ quyền, bao gồm các tọa độ địa lý xác định các ranh giới.


Căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật bùng phát trong những tháng gần đây sau khi các nhà hoạt động của hai nước lần lượt đặt chân lên quần đảo tranh chấp. Chính phủ Nhật Bản hôm 11/9 công bố đã hoàn tất thỏa thuận mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật Bản, trong khi chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Tôkyô rút lại quyết định trên với lý do quần đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc.


Hôm 13/9, hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, Khương Tăng Vĩ cảnh báo tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể tác động xấu đến hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.


Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Nhật Bản. Năm 2011, thương mại song phương đạt đến mức kỷ lục 345 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của các ngành sản xuất ô tô và đồ điện tử Nhật.


Minh Sơn (P/v TTXVN tại Nhật Bản) - T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN