Tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch MERS-CoV

Dù Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm bệnh dịch MERS-CoV, nhưng ngành y tế và các địa phương vẫn tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch.

Ngày 18/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn công tác, đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cùng nhiều sở, ban, ngành và quận, huyện về công tác phòng chống dịch MERS- CoV trên địa bàn Thủ đô.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn giám sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao, thành phố Hà Nội đã chú trọng công tác giám sát dịch bệnh, phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, bố trí máy đo thân nhiệt phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc MERS-CoV để có phương án cách ly. Trong tháng 6, thành phố đã tổ chức giám sát 988 chuyến bay với trên 128.000 hành khách đến từ các nước có dịch; trong đó có 156 chuyến bay với trên 21.000 hành khách từ Hàn Quốc, trên 4.500 khách đến từ khu vực Trung Đông. Hà Nội cũng đã tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, triển khai sâu rộng từ xã, phường đến quận, huyện, cụ thể đã tập huấn kiến thức cho 65 đội phòng chống dịch cơ động.

Các đơn vị đã tập huấn cho 1.740 nhân viên y tế tham gia để chủ động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. Thành phố xây dựng phương án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu, điều trị hợp lý theo từng cấp độ dịch. Trường hợp phát hiện ca đơn lẻ nhập cảnh qua sân bay Nội Bài sẽ chuyển bệnh nhân về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, nếu bệnh viện này quá tải sẽ được chuyển về Bệnh viện Bắc Thăng Long và các bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trường hợp số ca mắc tăng cao, tất cả các bệnh viện đều tham gia tiếp nhận bệnh nhân và triển khai phương án lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch; phối hợp với các Bộ Giao thông Vận tải, Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giám sát tốt lượng khách ra vào; chỉ đạo các bệnh viện Trung ương phối hợp với các bệnh viện của Hà Nội trong công tác phân tuyến, chuyển tuyến cấp cứu, điều trị; hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị MERS-CoV, đặc biệt cần chi viện nhân lực cho Hà Nội khi cần thiết.

Bệnh viện Bắc Thăng Long cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ thêm trong công tác xử lý rác thải lây nhiễm vì hiện nay bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn. Bệnh viện cũng đề xuất thành phố đầu tư thêm một đơn nguyên có hệ thống trang thiết bị đầy đủ như một khoa lớn trong bệnh viện để phục vụ cách ly trong trường hợp có dịch xảy ra.

Tiếp thu các ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo: Trong thời gian tới, các hệ thống đường dây nóng ở các bệnh viện, cũng như các lực lượng phải luôn túc trực 24/24 giờ. Thành phố Hà Nội phải đặc biệt chú trọng các phương án cách ly, từ cách ly tại nhà đến cách ly tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Khi phát hiện có ca mắc bệnh, ngoài việc lập tức cách ly bệnh nhân tại cơ sở y tế, đối với các trường hợp có tiếp xúc, có tiền sử dịch tễ với bệnh nhân, chính quyền phải hướng dẫn người dân cách ly ngay tại nhà. Bộ Y tế cũng đánh giá cao tinh thần của thành phố là trong trường hợp cần thiết sẽ sẵn sàng trưng dụng các khu chung cư để đảm bảo cách ly thật tốt.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Trong công tác phòng chống dịch, không chỉ chú trọng quán triệt tinh thần đến các cấp lãnh đạo, nhà quản lý, mà cần thiết nhất là phải tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp làm nhiệm vụ. Đội ngũ này là những người sâu sát, ứng xử lập tức đối với các tình huống xảy ra nên nắm vững kiến thức là rất cần thiết. Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho công tác tập huấn cán bộ cơ sở.

Cũng nhằm chủ động phòng chống bệnh dịch MERS-CoV tất cả nhân viên y tế tham gia công tác điều trị từ tuyến xã, phường, thị trấn đến phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện của tỉnh Thừa Thiên - Huế đều được tập huấn chẩn đoán, điều trị MERS-CoV.

Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh, thành thu hút đông khách du lịch quốc tế của cả nước. Vì vậy, ngành y tế tỉnh tập trung phòng chống dịch bệnh MERS-CoV tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển Chân Mây. Tại các cảng này, ngành y tế tỉnh đã lắp đặt hai máy đo thân nhiệt. Cảng hàng không quốc tế Phú Bài phối hợp chặt chẽ với ban ngành liên quan, kiểm tra hộ chiếu của tất cả hành khách nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch MERS-CoV để áp dụng khai báo y tế. Qua đó, giúp ngành y tế tỉnh có kế hoạch quản lý, giám sát và theo dõi sức khỏe hành khách tại cộng đồng, bố trí khu vực cách ly y tế, kiểm tra thân nhiệt.

Sở Y tế tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, đội cơ động về giám sát và xử lý triệt để nếu có ổ dịch. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thành lập 23 đội cơ động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, mỗi đội đều có sự tham gia của cán bộ dịch tễ, xét nghiệm, xử lý môi trường và lâm sàng. Nhân lực ở tất cả các đội đều được tập huấn, đào tạo về xử lý dịch và trang cấp phương tiện phòng hộ cá nhân để luôn sẵn sàng khi có dịch xảy ra. Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị chuyên môn thuộc tuyến cuối sẽ tiếp nhận các ca bệnh có thể hoặc ca bệnh xác định, có dấu hiệu suy hô hấp cấp ở mức độ nặng, giám sát tình hình hình sức khỏe du khách liên quan đến dịch bệnh do virút MERS-CoV.


Tạ Nguyên - TTN
Thêm 3 người Hàn Quốc chết do MERS
Thêm 3 người Hàn Quốc chết do MERS

Số người tử vong do Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) ở Hàn Quốc đã tăng lên con số 23.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN