Tạo cơ chế cho doanh nghiệp phân bón

Chủ trương bình ổn thị trường, điều tiết cân đối cung cầu phân bón thông qua cơ chế lưu thông dự trữ của Bộ Công Thương đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi một lượng vốn không hề nhỏ của doanh nghiệp đầu mối cung ứng phân bón phải “nằm bất động” tại kho trong khi doanh nghiệp lại không được hưởng cơ chế hỗ trợ cụ thể. Đây là một trong những nội dung được đề cập đến tại Hội nghị cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón do Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/5 ở Hà Nội.

 

“Méo mặt” vì dự trữ


Bộ Công Thương thường có văn bản đề nghị doanh nghiệp dự trữ đủ chân hàng phân bón để đảm bảo cung cầu, góp phần bình ổn thị trường trước các cao điểm mùa vụ, tuy nhiên lại không hề đả động đến chính sách tài chính hỗ trợ đi kèm. Điều này khiến cho doanh nghiệp phải vay vốn thương mại với lãi suất khá cao để sản xuất phân bón khi lượng “vốn” dành cho dự trữ là không hề nhỏ. Ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ.


Để thực hiện chỉ đạo này của Bộ Công Thương, công ty không chỉ phải chuẩn bị chân hàng dự trữ tại các kho bãi thuê ở Hà Nội, Bình Dương, Bình Định mà còn phải dự trữ cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất phân bón, nhất là than và quặng apatit với số lượng tối thiểu là 1 tháng sản xuất. Với giá than và quặng apatit chiếm tới 60% giá thành sản xuất phân bón như hiện nay, lượng vốn bị nằm trong kho là rất lớn nhưng doanh nghiệp lại không hề nhận được sự hỗ trợ. Bên cạnh đó, trong khi doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với phân bón ngoại nhập thì việc dự trữ mà không được hỗ trợ này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ khó lòng thực hiện tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, ông Tại nhấn mạnh.


Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Trí Ngọc khẳng định: Việc quản lý phân bón nên theo hướng hạn chế can thiệp của Nhà nước đến mức thấp nhất và dựa trên quy luật kinh tế thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón. Hiện giống cây trồng là một trong những loại vật tư nông nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ, nếu buộc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải dự trữ lưu thông trước cao điểm mùa vụ thì Bộ Công Thương cần kiến nghị các cơ chế hỗ trợ đi kèm cụ thể.

 

Quản lý nhưng phải tạo thuận lợi


Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết phân urê và NPK là hai mặt hàng phân bón thuộc danh mục bình ổn giá theo Luật Giá được áp dụng từ ngày 1/1/2013. Theo đó, chỉ khi giá cả phân bón biến động bất thường hoặc sự biến động làm ảnh hưởng tới ổn định kinh tế xã hội thì mặt hàng phân đạm urê và NPK sẽ phải áp dụng có thời hạn 7 biện pháp điều tiết để bình ổn giá; trong đó việc điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông.


Theo đó, trong trường hợp cần thiết, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được lập từ việc trích từ giá hàng hóa, dịch vụ, tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, viện trợ của nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác.


Vì vậy, việc yêu cầu dự trữ lưu thông có thể là một điều kiện để thực hiện kinh doanh phân bón nhưng đây là do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, còn Luật Giá không bắt buộc, ông Tuấn nhấn mạnh.


Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý phân bón mới thay thế Nghị định 113/2003/NĐ-CP và Nghị định 191/2007/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý phân bón. Theo dự thảo này, Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước với phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Vì vậy, việc quản lý dự trữ lưu thông phân bón sẽ do cơ quan được phân công quản lý phân bón.


Theo các chuyên gia, việc lựa chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối dự trữ hàng hóa và phân phối theo “mệnh lệnh” của Nhà nước sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh và trái với quy luật của nền kinh tế thị trường. Để quản lý tốt thị trường phân bón, cơ quan quản lý cần kiên định trong việc thực hiện điều tiết theo thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh mới mang lại sự bình ổn về giá và nguồn cung hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, cách tốt nhất để bình ổn thị trường là làm tốt công tác dự trữ quốc gia thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải dự trữ sản phẩm.


Đại diện Công ty Thương mại Hoàng Xuân - doanh nghiệp cung ứng phân bón tại Nam Định đề xuất: Chính phủ nên có lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp hoặc có một khoản tài chính nhất định hỗ trợ doanh nghiệp lưu kho phân bón phục vụ mục đích bình ổn giá thị trường. Khi Nhà nước yêu cầu lưu kho thì khoản tiền này được giải ngân cho doanh nghiệp, khi không cần lưu kho thì khoản tiền này lại truy thu về quỹ bình ổn.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý phân bón để trong tháng 6 tới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN