Hội nghị thượng đỉnh NATO-Nga:

Tan băng quan hệ cựu thù?

(Tin tức) - Diễn ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội nghị thượng đỉnh NATO-Nga, kết thúc ngày 21/11 (giờ VN) tại thủ đô Lixbon (Bồ Đào Nha), đã chứng kiến sự hợp tác quan trọng của hai bên về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề phòng thủ tên lửa. Hội nghị lần này đã đánh dấu một khởi đầu mới mẻ cho hai bên và khiến cho mối quan hệ căng thẳng suốt 2 năm qua trở nên bớt lạnh lẽo hơn.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cùng cho rằng hai bên đã có một bước tiến "lịch sử" khi gạt bỏ những hiềm khích trong quá khứ. Tổng thư ký Rasmussen khẳng định: "Ngày hôm nay đánh dấu một khởi đầu mới trong quan hệ NATO-Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia thuộc NATO và Nga sẽ cùng hợp tác về vấn đề phòng vệ". Ông Rasmussen cho rằng, cơ sở của sự hợp tác này chính là việc hai bên có cùng lợi ích và đối mặt với những nguy cơ giống nhau về mặt an ninh.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nga - NATO tại Lixbon.

Trong khi đó, Tổng thống Medvedev cũng nhận định giai đoạn căng thẳng trong mối quan hệ NATO-Nga đã lùi xa và khẳng định "sẽ hợp tác trong mọi lĩnh vực, kể cả vấn đề phòng thủ tên lửa ở châu Âu". Theo hãng tin AP, Tổng thống Medvedev đồng ý để các chuyên gia kỹ thuật của Nga trước mắt tham gia vào kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, đồng thời cảnh báo Nga có thể quyết định không tham gia nữa nếu không được đối xử như một đối tác ngang hàng. Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev tuyên bố không có khả năng Nga gia nhập NATO trong thời điểm hiện nay.

Một vấn đề quan trọng nữa được đề cập trong Hội nghị thượng đỉnh NATO-Nga, đó là hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START). Tổng thống Nga Medvedev đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua hiệp ước START vì đây sẽ là một bước quan trọng trong tăng cường an ninh toàn cầu. Đáp lại, Tổng thống Obama cam kết sẽ làm hết sức để START được thông qua.


Ngoài ra, NATO và Nga đã thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng như chống lại chủ nghĩa khủng bố, nạn buôn ma túy, nạn cướp biển và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nga đã mở rộng một thỏa thuận trung chuyển cho phép NATO vận chuyển hàng hóa không nguy hiểm ra vào Ápganixtan thông qua lãnh thổ Nga.


Mặc dù nhắc nhiều đến từ "hợp tác", "đối tác" và Quan điểm Chiến lược mới được thông qua cũng khẳng định các lãnh đạo NATO sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự với Nga, nhưng theo hãng tin Tân Hoa, mục tiêu này khó có thể đạt được trong tương lai gần. Các nhà phân tích cho rằng, với một thời gian dài đứng ở hai phía đối lập nhau, NATO và Nga không thể nhanh chóng xóa bỏ mọi khác biệt.


Tổng thư ký NATO Rasmussen một mặt liên tục nhấn mạnh rằng NATO không muốn áp đặt bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa cụ thể nào cho Nga, mặt khác lại nhiều lần nói rằng NATO sẵn sàng kết nạp Grudia - một vấn đề nhạy cảm đối với Nga. Theo nhà phân tích Pavel Felgengauer (Nga), mặc dù cả NATO và Nga đều không muốn đối đầu, tuy nhiên, cho đến nay chưa bên nào tìm ra được một cách thức giúp hai bên cùng tồn tại. Hơn nữa, những tranh cãi giữa họ vẫn chưa được giải quyết và do đó, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để NATO và Nga cùng tìm cách vượt qua mâu thuẫn, bất đồng.


Thùy Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN