Tài sản vô hình của mỗi vùng miền

Trước thực tế nhiều hàng hóa Việt Nam lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa hoặc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… thì vấn đề tạo dựng thương hiệu vùng miền, thương hiệu quốc gia là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương về vấn đề này.

 

Thưa ông, việc xây dựng thương hiệu vùng miền ở nước ta có ý nghĩa như thế nào?


Thương hiệu là tài sản vô hình quý giá của doanh nghiệp hoặc một vùng miền nên việc bảo vệ thương hiệu là hết sức cần thiết. Hiện nay chúng ta đã xác định xây dựng vùng miền, trong đó đã bao gồm chỉ dẫn địa lý. Vấn đề xây dựng thương hiệu vùng miền gần đây đã được quan tâm hơn nhiều; đặc biệt lãnh đạo các địa phương đã bắt đầu chú ý đến việc tạo dựng hình ảnh cho thương hiệu địa phương mình. Nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về thương hiệu, giá trị đặc thù của địa phương mình đã được nâng lên.

 

Việc xây dựng thương hiệu vùng miền đang được thực hiện ra sao, thưa ông?


Việc xây dựng thương hiệu vùng miền được triển khai chưa đồng bộ do nhận thức chưa rõ và chưa có sự thống nhất. Một số nơi coi chỉ dẫn địa lý của địa phương mình là giá trị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, có nơi gắn vào kinh tế biển có thể phát triển du lịch biển hoặc các ngành nghề liên quan đến kinh tế biển.


Thực tế, nhiều thương hiệu của Việt Nam đã bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng. Nguyên nhân do chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu. Nếu doanh nghiệp có ý thức xây dựng và phát triển thương hiệu thì sẽ nhận thức rõ thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Nó không chỉ là công cụ để tiếp thị mà là tài sản chúng ta cần bảo vệ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, khi ra nước ngoài kinh doanh thì càng phải thực hiện các thủ tục pháp lý để bảo vệ thương hiệu của mình.


Với các doanh nghiệp lớn thì việc này không thành vấn đề nhưng với những doanh nghiệp vừa mới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì họ vẫn ngần ngại do họ chưa cập nhật được thông tin hoặc chi phí quá lớn và khi đăng ký ở nước ngoài thì chưa có tư vấn phù hợp.

 

Hiện nay, vấn đề bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam đang đứng trước thách thức gì, thưa ông?


Gần đây, chúng ta không còn nhiều doanh nghiệp mất thương hiệu hay bị tranh chấp thương hiệu ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đang có xu hướng các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức kinh tế nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam âm thầm, lặng lẽ thâu tóm các doanh nghiệp có thương hiệu ở Việt Nam. Đây là cách thâm nhập thị trường rất phổ biến ở nước ngoài. Qua hình thức sáp nhập, mua bán thâu tóm thì các thương hiệu của chúng ta dần dần bị thâu tóm vào các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết lại, tăng thêm sức mạnh đầu tư, đảm bảo thương hiệu của chúng ta có thể trụ vững được trong lúc kinh tế khó khăn như thế này.

 

Chúng ta cần làm gì để việc xây dựng thương hiệu vùng miền gắn với phát triển kinh tế?


Mối quan hệ giữa thương hiệu vùng miền và kinh tế là hoàn toàn logic, khi chúng ta ý thức về thương hiệu rồi thì chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào đó để phát triển kinh tế. Còn việc phát triển ở từng vùng miền khác nhau thì chúng ta phải tính đến phát triển thương hiệu bám vào thương hiệu của từng địa phương hay thương hiệu có tính chất chung như là thương hiệu biển hoặc thương hiệu vùng kinh tế bám vào sản xuất chủ đạo của vùng đó.

Diễn đàn thương hiệu Việt Nam năm 2013 - Điểm nhấn thương hiệu biển và vùng miền
Diễn đàn thương hiệu Việt Nam năm 2013 - Điểm nhấn thương hiệu biển và vùng miền

Phát triển thương hiệu vùng miền và thương hiệu biển là hai nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 do Bộ Công Thương và Thông tấn xã Việt Nam (báo Tin Tức) phối hợp tổ chức vào ngày 12/6/2013, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN