Sẽ tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế

Ông Vũ Duy Hưng, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội đã trao đổi với báo Tin Tức về các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả mô hình BSGĐ trên địa bàn.

 

´Năm 2001- 2008, TP Hà Nội đã thí điểm một số mô hình BSGĐ. Tại sao sau đó, những mô hình này lại “chết yểu”, thưa ông?


Đúng là từ năm 2001 - 2008, TP Hà Nội có 10 TYT và 1 phòng khám đa khoa khu vực triển khai mô hình BSGĐ. Giai đoạn này, Sở Y tế Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho TYT, phường triển khai mô hình, đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế. Tổ chức khám sức khỏe, lập và theo dõi hồ sơ y học gia đình cho những người tình nguyện tham gia. Người dân được khám bệnh, cấp thuốc tại TYT, trường hợp quá khả năng sẽ được chuyển lên tuyến trên. Tình hình bệnh tật luôn được cập nhật trong hồ sơ của từng cá nhân. Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT thì được thanh toán theo BHYT, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả chi phí KCB. Còn Sở Y tế hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức khám sức khỏe hàng năm và công tác vận động tuyên truyền. Kết quả, 10 TYT xã, phường và PKĐK quận Thanh Xuân đã tổ chức duy trì khám sức khỏe tổng quát và lập hồ sơ cho 50 - 100 hộ gia đình/xã, phường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hiệu quả chưa cao, nên năm 2009 thành phố đã tạm dừng mô hình BSGĐ.


Trong giai đoạn này, việc triển khai mô hình BSGĐ còn gặp khó khăn như: Khối lượng công việc gián tiếp nhiều (cập nhật hồ sơ, quản lý hồ sơ, thăm hộ gia đình...) nên các TYT thiếu nhân lực thực hiện, mỗi TYT chỉ có 5- 8 cán bộ y tế triển khai 31 chương trình y tế, không có nguồn kinh phí cho thống kê, báo cáo. Chuyển tuyến cũng là một vấn đề bất cập trong việc thực hiện mô hình BSGĐ. Tại một số nước triển khai mô hình này (như Mỹ, Singapore, Thái Lan…), BSGĐ có thể giới thiệu người bệnh đến cơ sở đúng chuyên ngành có uy tín. Nhưng tại VN, mạng lưới BSGĐ chưa hình thành nên các các BSGĐ gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ chuyển tuyến. Hơn nữa, bệnh nhân vẫn phải chuyển đúng tuyến theo quy định của BHYT. Khi khám và nhập viện, BV tuyến trên chưa có các kết quả xét nghiệm của BSGĐ và yêu cầu người bệnh phải xét nghiệm lại. Chính vì vậy, bệnh nhân vẫn phải mất nhiều thời gian trước khi điều trị bệnh…


´Sở Y tế Hà Nội sẽ có biện pháp gì khắc phục những khó khăn đó để tạo đà cho những mô hình BSGĐ sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2015?
Sở Y tế Hà Nội đang nỗ lực triển khai xây dựng 20 mô hình BSGĐ, trong đó có 5 mô hình công lập và 15 mô hình ngoài công lập.
Với mô hình BSGĐ công lập, chúng tôi đã triển khai tại 5 đơn vị: TYT xã Dục Tú (huyện Đông Anh), BV Đa khoa Đông Anh, 2 TYT tại huyện Từ Liêm và BV Đa khoa Xanh Pôn. Trong giai đoạn đầu thí điểm, ở mỗi mô hình, chúng tôi sẽ lựa chọn một tỷ lệ người dân tham gia nhất định. Người bệnh sẽ được chăm sóc theo các nguyên tắc: Liên tục, toàn diện, phối hợp, cộng đồng,…


Với mô hình BSGĐ ngoài công lập, hiện đã có một cơ sở đi vào hoạt động tại Mễ Trì. Chúng tôi cũng đã nhận được đơn đề nghị thành lập mô hình BSGĐ của 2 đơn vị khác, tuy nhiên vướng mắc là các đơn vị này chưa có BS đạt chứng chỉ chuyên ngành BSGĐ theo như quy định của Bộ Y tế.

 

´TP Hà Nội sẽ “gỡ” bài toán thiếu nhân lực như thế nào?

 

Chúng tôi sẽ kết hợp với Trường ĐH Y Hà Nội để đào tạo thêm cán bộ chuyên ngành y học gia đình. Nhưng trong giai đoạn giao thời như hiện nay, việc yêu cầu cơ sở y tế tư nhân có đủ nhân lực BSGĐ thì mới cho thành lập mô hình BSGĐ như mục tiêu đề ra là rất khó. Bởi vậy, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Y tế cho phép thí điểm một số mô hình BSGĐ tư nhân do BS đa khoa có kinh nghiệm phụ trách; sau đó sẽ tiến hành đào tạo, tập huấn để BS đó được cấp chứng chỉ về chuyên ngành BSGĐ.

 

´Vậy còn việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các TYT thực hiện mô hình BSGĐ thì sao, thưa ông?


Chủ trương triển khai thí điểm mô hình BSGĐ của Bộ Y tế mới có từ tháng 6/2013.Vậy nên, Hà Nội cũng đang từng bước triển khai các bước theo như kế hoạch đã xây dựng. Sang năm 2014, chúng tôi sẽ đề xuất thêm kinh phí cho việc thực hiện đề án BSGĐ tại Hà Nội. Sau đó, dựa trên nhu cầu thực tế của từng đơn vị, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với UBND thành phố về việc tăng cường trang thiết bị, nhân lực…


Xin cảm ơn ông!

Từ năm 2004 đến nay, cả Hà Nội mới đào tạo được 45 BSGĐ. Tuy nhiên, số cán bộ này giờ cũng đã lên chức hoặc chuyển công tác nên rất thiếu cán bộ triển khai mô hình BSGĐ.

Nỗ lực triển khai mô hình bác sĩ gia đình
Nỗ lực triển khai mô hình bác sĩ gia đình

Từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thí điểm 20 mô hình bác sĩ gia đình, trong đó có 15 mô hình ngoài công lập. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN