Sẽ có chuyển giao quyền lực ở Xyri?

Các cường quốc trên thế giới hiện vẫn bị chia rẽ xung quanh việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Xyri. Trong khi phương Tây đòi áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với chính quyền Đamát và Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức thì Nga và Trung Quốc phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Hiện phương Tây đang gia tăng hối thúc Nga ủng hộ một kế hoạch hòa bình mới, trong đó động thái đầu tiên là ông Assad từ chức và trao quyền lãnh đạo đất nước tạm thời cho nhân vật thứ hai trong chính phủ, một tiến trình chuyển giao quyền lực tương tự như đã xảy ra ở Yêmen.


Trong bối cảnh đó, ngày 12/6, ông Abdulbaset Sieda, người vừa được bầu làm lãnh đạo mới của Hội đồng dân tộc Xyri (SNC) đã hối thúc Tổng thống Assad chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa. Hãng tin Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Sieda nói rằng, chính phủ Xyri đang mất dần khả năng kiểm soát tình hình và điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới Xyri mà còn tác động đến quốc gia láng giềng Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ và toàn bộ khu vực Trung Đông. Ông Sieda cho biết SNC sẽ nhóm họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 15 và 16/6 để thảo luận tình hình trong nước.


 

Một chiếc xe hơi bị nhóm vũ trang chống đối cho nổ tung tại thủ đô Đamát hôm 11/6. Ảnh: Sana

 

Tuy nhiên, khả năng áp dụng “mô hình” Yêmen tại Xyri được các nhà quan sát đánh giá là “rất ít hy vọng”. Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa xã ngày 12/6, Giáo sư Hassan Abu-Taleb, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram của Ai Cập, nhận định: Thành công của kế hoạch chia sẻ quyền lực ở Yêmen dựa trên một loạt các điều kiện mà Xyri còn thiếu.


Thứ nhất, mặc dù được cho là từ chối đàm phán với chính phủ Yêmen nhưng phe đối lập tại nước này vẫn tiếp xúc và thương lượng với đảng cầm quyền trong nhiều tháng trước khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh rời bỏ quyền lực. Trong khi đó tại Xyri, phe đối lập thẳng thừng bác bỏ khả năng đối thoại với chính quyền Assad.
Thứ hai, cả đảng cầm quyền và phe đối lập Yêmen đều nhất trí chỉ định cấp phó của ông Saleh làm tổng thống trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Nhân vật này cũng được đa số người dân Yêmen ủng hộ. Nhưng tại Xyri, một số quan chức cấp cao ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Assad thuộc tổ chức Alawites (một nhánh của nhóm Hồi giáo dòng Shiite). Những người này có thể phản đối việc chuyển giao quyền lực bởi họ lo ngại sẽ mất quyền lợi nếu ông Assad từ chức.


Thứ ba, là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Yêmen phải phụ thuộc vào viện trợ tài chính từ nước láng giềng giàu dầu mỏ Arập Xêút và các nước Vùng Vịnh - những quốc gia đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị của Yêmen. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị ở Xyri phức tạp hơn nhiều. Các nước láng giềng như Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Irắc, Gioócđani, Iran... thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau và có quyền lợi khác nhau tại Xyri. Trò chơi quyền lực của họ chắc chắn sẽ làm gia tăng khó khăn trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Xyri thông qua đối thoại, Giáo sư Hassan đánh giá.


Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin khu vực cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho không quân và hải quân Mỹ đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho một cuộc không kích hạn chế nhằm vào lực lượng của ông Assad, đồng thời áp đặt khu vực cấm bay tại Xyri. Nhiệm vụ của lực lượng Mỹ là nhằm vào chính quyền trung ương và các trung tâm chỉ huy quân sự để làm lung lay sự ổn định chính quyền, cản trở quân đội đánh bại phe nổi dậy.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vẫn bác bỏ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Xyri, cho rằng việc đưa lực lượng quân sự nước ngoài vào Xyri trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn tới bùng nổ chiến tranh.


Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN