Sao không học tập bác sĩ Trường Sa?

Vụ ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc bệnh viện thẩm mỹ Cát Tường ném xác nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang là hành động vô nhân đạo không thể chấp nhận được. Thật là đau đớn khi ngành y Việt Nam lại có những bác sĩ mặt người dạ thú đến vậy.


Đọc báo Tin Tức mà tôi xót xa. Xót xa bởi giữa cuộc sống tốt đẹp này vẫn còn những kẻ bất lương như ông Tường - người mà đáng lẽ phải được cả xã hội yêu mến, tôn vinh gọi là thầy thuốc, là “từ mẫu” của người bệnh.


Tôi liên tưởng đến những bác sĩ ở đảo Song Tử Tây như đại úy Kiều Đức Vinh, bác sĩ ở nhà giàn DK1 Nguyễn Phương Đông - những người đang ngày đêm thầm lặng cứu ngư dân gặp nạn và chữa bệnh cho các chiến sĩ nơi tiều tiêu Tổ quốc. Họ chẳng có điều kiện “ăn sướng mặc sang” như ông Tường, không ở thị thành đông đúc, người xe, hoa lệ như Thủ đô Hà Nội. Vậy mà khi nhận được mệnh lệnh cứu ngư dân Nguyễn Thành Dũng, 56 tuổi, quê ở Quảng Ngãi gặp nạn nhồi máu cơ tim trong khi đánh bắt hải sản, bác sĩ đại úy Kiều Đức Vinh đã khẩn cấp làm các thủ thuật chuyên môn, vừa hô hấp nhân tạo, ép đẩy lồng ngực; vừa truyền dịch và dùng thuốc trợ tim đặc biệt, bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc. Sau 17 ngày cứu chữa, ngư dân Nguyễn Thành Dũng đã trở về đất liền trong niềm vui. Để tỏ lòng biết ơn, ông Dũng xin biếu bác sĩ Vinh chút tiền bồi dưỡng, nhưng bác sĩ Vinh dứt khoát không nhận.


Hay bác sĩ Nguyễn Phương Đông ở Nhà giàn DK1/14, luôn sẵn sàng đồ nghề để cứu ngư dân. Gặp ngư dân tắc đường tiểu, anh chẳng ngại ngần dùng miệng thổi, hút thông ống tiểu cho người bệnh. Mỗi khi có ngư dân gặp nạn vào nhà giàn xin cấp cứu, bác sĩ Đông đều đón tiếp ân cần, cấp cứu ngay tại sàn cập tàu. Khi lành bệnh, còn biếu ngư dân hộp thịt hộp, bó rau xanh. Tất cả những việc làm ấy xuất phát từ trách nhiệm và tình yêu thương người bệnh, không bao giờ tính toán thiệt hơn. Vậy mà bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường đã nhẫn tâm đem xác nạn nhân lên ô tô rồi vứt xuống sông Hồng. Dẫu vẫn biết nghề bác sĩ “mổ xẻ” không tránh được những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, nhưng thay vì bình tĩnh giải quyết sự cố, báo cho người nhà nạn nhân để cùng giải quyết hậu sự, thì ông Tường lại hành động dã man, coi mạng người như bịch rác vứt bỏ. Hành động của ông Tường đáng bị xã hội lên án, pháp luật trừng trị thích đáng.


Cách đây không lâu, người dân cả nước bàng hoàng trước vụ “nhân bản xét nghiệm” ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức Hà Nội, được xem là vụ “động trời, kinh hoàng” nhất trong lĩnh vực y tế, chưa hề có trong tiền lệ, thì nay lại bàng hoàng, ghê sợ trước hành động mất nhân tính của ông Tường. Không hiểu tại sao, một người đã từng được Nhà nước đào tạo đến nơi đến chốn, có bằng thạc sĩ và đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai - một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội lại vô cảm đem xác nạn nhân vứt xuống sông Hồng để phi tang hòng chối bỏ trách nhiệm. Có lẽ trong lịch sử ngành y Việt Nam, chưa có vụ việc nào nghiêm trọng như vụ việc này, chưa có hành động nào dã man như hành động của ông Tường.


Lưới trời lồng lộng, pháp luật nghiêm minh, hành động của ông Tường sẽ bị pháp luật trừng trị, song dư luận xã hội quan tâm là đạo đức nghề y đang bị xuống cấp trầm trọng. Và có lẽ, còn nhiều kẻ như ông Tường đang đội lốt bác sĩ ở nhiều bệnh viện đang hành bệnh nhân -“mảng băng chìm màu tối” chưa được lộ diện, tố giác. Một khi trong ngành y nước nhà vẫn còn những bác sĩ như ông Tường thì chỉ có hại cho nước, cho dân, uy tín của các “từ mẫu” đang ngày mất dần niềm tin trong lòng nhân dân.


Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN