Sáng tạo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành lộ trình triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015.


Huy động nhiều nguồn lực


Ninh Thuận hiện có 89 trường mầm non; trong đó, có 72 trường công lập (tương đương 80,9%) và 17 trường mầm non tư thục. Thời gian qua, dù mạng lưới trường lớp mầm non trên địa bàn đã được củng cố, mở rộng nhưng vẫn chưa đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, số phòng học chưa đủ để huy động hết trẻ 5 tuổi đến lớp, học 2 buổi/ngày và tổ chức cho trẻ ăn tại trường...


Khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, một số địa phương của Ninh Thuận đã tận dụng các cơ sở trường tiểu học, trung học cũ hoặc mượn nhà của thôn, xã để làm địa điểm học cho các cháu. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động cộng đồng cùng tham gia góp công, góp của để xây dựng, trang trí, sửa chữa phòng học, làm nhà bếp, sân chơi cho các em. Điển hình như ở huyện Bác Ái, năm 2011 - 2012 đã huy động từ Ngân hàng ACB đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng 4 phòng học; tổ chức hoạt động “Mùa hè xanh” để huy động cộng đồng tham gia sửa chữa, xây dựng trường, lớp với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Huyện Ninh Phước cũng huy động các tổ chức, nhà hảo tâm xây bếp cho 9 trường học trên địa bàn với gần 450 triệu đồng...


Để có thêm đồ dùng dạy học và đồ chơi phục vụ “việc chơi mà học” của trẻ mầm non, ngành giáo dục đã đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng giảng dạy và học tập. Ngoài việc sử dụng những nguyên vật liệu phế thải như chai nhựa, hộp sữa, ống nước, bìa cát tông, các cô giáo còn tự bỏ kinh phí mua thêm nguyên vật liệu, thậm chí còn tranh thủ thức đêm để làm đồ dùng học tập và đồ chơi cho trẻ. Nhờ vậy, những giờ học của các cháu trở nên sinh động và đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.


Linh hoạt trong bố trí cán bộ


Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, tỉnh Ninh Thuận cũng rất thiếu giáo viên mầm non. Cô Lê Thị Thanh Thủy, Hiệu phó Trường mẫu giáo Phương Hải, huyện Ninh Hải, cho hay: “Thiếu giáo viên cho việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày cũng là một trong những khó khăn mà các địa phương đang gặp phải, có nơi giáo viên phải đứng lớp từ 10 - 11 giờ/ngày. Lực lượng cấp dưỡng ở những nơi tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường cũng thiếu. Tại các xã vùng dân tộc thiểu số thuộc huyện Bác Ái, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam), xã Phước Chiến, Phước Kháng (huyện Thuận Bắc)..., tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng còn khá cao, có nơi từ 35 - 45%. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ ăn trưa và chi phí học tập cho trẻ chưa được hỗ trợ kịp thời, gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ”.


Trước tình hình đó, nhiều trường mầm non trên địa bàn đã linh hoạt trong bố trí nhân lực, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kiêm thêm một số công việc của trường như phụ trách công tác văn thư, thủ quỹ, thay phiên nhau nấu ăn cho trẻ, đưa cơm đến các điểm lẻ của trường... Ngoài ra, các trường cũng huy động sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh để nấu ăn tại trường và đưa cơm cho trẻ đến các điểm trường lẻ.


Cô Phạm Thị Mộng Liên, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết: Mỗi đơn vị đều có những cái khó riêng, nhưng để có điều kiện chăm lo cho các cháu, các trường đã chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Nhờ vậy, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 43/65 xã, phường được công nhận phổ cập. Năm học 2013 - 2014, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,4%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 89%. Những kết quả trên là tiền đề để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đúng kế hoạch.


Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN