Rất ít nhà thuốc đạt chuẩn GPP

Theo đúng lộ trình đề ra trong Quyết định số 11/2007 của Bộ Y tế, đầu năm 2011 tất cả các nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP.


Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện quyết định trên, do gặp phải nhiều vướng mắc khó khăn nên đến nay TP.HCM chỉ có khoảng hơn 1.500 nhà thuốc đạt chuẩn trong tổng số 3.667 nhà thuốc trên địa bàn.

Vướng mắc về nhận thức

TP.HCM có mạng lưới chuyên cung cấp tân dược lớn nhất cả nước nhưng việc triển khai thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bức xúc cho biết: Bên cạnh một số nhà thuốc vì lợi nhuận, kinh doanh thuốc tùy tiện, mua bán không hóa đơn chứng từ mà trì hoãn không muốn làm GPP, còn đại đa số các nhà thuốc khác thì e ngại chưa làm GPP là do chưa hiểu đúng về GPP.


Họ cho rằng làm GPP phải tốn kém nhiều, bị kiểm tra nhiều. Sai lầm nhất là cho rằng, chỉ có nhà thuốc GPP mới phải có những tiêu chuẩn như kiểm soát nguồn gốc, giá cả, chất lượng, hạn dùng, bảo quản, dược sĩ có mặt tại nhà thuốc, thuốc kê đơn bán theo quy định.


Thật ra đây là quy định chung trong Luật Dược cho mọi nhà thuốc, dù là GPP hay không.

Cuối năm 2011 sẽ xóa trắng nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP.


Ngoài ra, do buông lỏng công tác quản lý nhiều năm nên tình trạng bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc còn khá phổ biến.


Trong một số trường hợp, vi phạm là rất nghiêm trọng, như bóc xé bao bì, thủ tiêu nhãn mác, hạn dùng, thậm chí còn làm thay đổi dạng thuốc (nghiền viên thành bột, bao viên, đóng bao bì mới).

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Còn một số lượng lớn nhà thuốc chưa được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GPP, đa số là do không có dược sĩ túc trực để tư vấn cho người mua.


Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong việc cấp giấy chứng nhận GPP trên địa bàn thành phố. Hiện nay, dù thành phố có đội ngũ dược sĩ đại học cao nhất nước (4.503 DSĐH, tỷ lệ 5,6/10.000 dân) nhưng đội ngũ làm trong các nhà thuốc lại thiếu và yếu.


Tại các nhà thuốc vẫn phổ biến tình trạng cho thuê bằng. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là các sinh viên dược sau khi ra trường không muốn làm việc trong nhà thuốc mà hướng đến các công ty dược.

Theo quy định của Bộ Y tế, nhà thuốc đạt chuẩn GPP là nhà thuốc có qui trình đảm bảo chất lượng thuốc với các yêu cầu và điều kiện bảo quản thuốc, trình độ chuyên môn và phương thức quản lý của chủ nhà thuốc, quy trình hướng dẫn theo dõi việc sử dụng thuốc… nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo thuốc chất lượng, hiệu quả, an toàn đến tay người bệnh.

Xóa “vùng trắng” nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP

Đáng lẽ hơn 2.000 nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP trên địa bàn sẽ phải đóng cửa vào ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2010/TT-BYT gia hạn cho các nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP được hoạt động đến cuối năm 2011.


Mặc dù vẫn được phép hoạt động nhưng các nhà thuốc này chỉ được phép bán lẻ thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn ban hành kèm theo Thông tư số 08/2009/TT-BYT ngày 1/6/2009 của Bộ Y tế.


Riêng việc xử lý các loại thuốc không được bán như kháng sinh, kháng viêm, thực phẩm chức năng,... các nhà thuốc chưa đạt GPP chỉ có thời hạn 3 tháng (kể từ 1/1/2011).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, đã đến lúc phải thay đổi thói quen mua bán thuốc tùy tiện vì sự an toàn cộng đồng.


Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế còn yêu cầu UBND TP.HCM phải xem việc triển khai thực hiện Chương trình thực hành tốt nhà thuốc GPP là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dược.


Đồng thời, đề nghị UBND TP ra chỉ tiêu phấn đấu cho Sở Y tế xóa “vùng trắng” các nhà thuốc không đạt chuẩn GPP trong năm 2011.

Và ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã cam kết: Đến cuối năm 2011, TP TP.HCM sẽ không còn nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP.

Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN