Rắc rối thông tuyến khám chữa bệnh

Theo quy định thông tuyến về bảo hiểm y tế, người bệnh đăng ký khám chữa ban đầu tại tuyến xã có thể đến thẳng phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện mà vẫn được bảo hiểm thanh toán.

Quy định này đòi hỏi ngành y tế phải giải quyết đồng thời rất nhiều vấn đề như cảnh đìu hiu ở tuyến xã, quá tải ở BV huyện và tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Nơi đông đúc, chỗ đìu hiu

Tại trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, cho dù được trang bị cơ sở vật chất khá khang trang; có đầy đủ số y, bác sĩ cần thiết, thế nhưng hầu như chẳng mấy khi bệnh nhân tới đây khám, nhất là từ khi triển khai quy định thông tuyến khám chữa bệnh. Trong năm 2015, trạm y tế chỉ khám cho khoảng 10 bệnh nhân có thẻ BHYT, kể từ khi thông tuyến đến nay, trạm chỉ khám cho... 1 bệnh nhân BHYT. Trưởng trạm, bác sĩ Nguyễn Văn Tấn chia sẻ: “Lâu nay, bệnh nhân thường tự điều trị hoặc tới các BV tuyến quận, huyện khám chứ chẳng mấy khi tới trạm y tế để khám. Những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cũng chẳng mặn mà gì, bởi ở đây không đủ thuốc và cũng không làm được các xét nghiệm cơ bản”.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, không chỉ các trạm y tế mà ngay giữa các BV tuyến huyện cũng có sự dịch chuyển bệnh nhân sau khi quy định thông tuyến có hiệu lực. Tại TP Hồ Chí Minh, một số BV “hút” bệnh nhân BHYT từ các BV quận huyện khác sang nhiều như: BV quận Thủ Đức, BV Bình Tân, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức... Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức cho biết: “Từ khi thực hiện thông tuyến đến nay, tổng bệnh nhân đến khám BHYT tại đây tăng 20 - 23%. Có bệnh nhân mua BHYT từ các BV quận khác tới khám tại BV chúng tôi”. Còn theo báo cáo gần đây của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tổng lượt khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế sau thời gian thông tuyến đã giảm 46,2% so với tháng 12/2015 và có 11/28 BV tuyến huyện có mức giảm lượt khám chữa bệnh hơn 10%.

Đang có sự dịch chuyển bệnh nhân giữa trạm y tế lên các bệnh viện tuyến quận, huyện.

Tại Hà Nội, tuy chưa có sự chuyển dịch bệnh nhân rõ nét giữa từ trạm y tế lên các BV tuyến trên, song cũng đã có sự chuyển dịch giữa các BV tuyến huyện. Theo bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, quy định thông tuyến tạo điều kiện thuận tiện cho người bệnh nhưng có thể xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Người bệnh đến khám trái tuyến ở BV tuyến huyện, gây ảnh hưởng đến quỹ BHYT của tuyến ban đầu.

“Thời gian đầu triển khai thông tuyến khám chữa bệnh, có lãnh đạo BV báo cáo rằng một ngày phải ký cả trăm giấy chuyển tuyến, trong đó đa phần là quyết định của BV huyện khác… Bên cạnh đó, còn một tồn tại là các BV khó chủ động dự trù thuốc, hóa chất vật tư tiêu hao để phục vụ những đối tượng BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cơ sở y tế khác”, bà Lưu Thị Liên cho biết.

Theo một số chuyên gia y tế, hiện nay, những trạm y tế ở khu vực ngoại thành vẫn hoạt động khá hiệu quả, được người dân tin tưởng đến khám bệnh. Ngược lại, những trạm y tế ở khu vực nội thành thì lại rất đìu hiu bởi gần các BV, phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân…

Phân nhóm trạm y tế

Để người dân quay trở lại với các trạm y tế và tránh tình trạng quá tải ảo tại các BV huyện, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: “Bên cạnh triển khai đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình mới cho một số trạm y tế nội thành”. Thành phố chủ trương xây dựng các nhiệm vụ và phạm vi khám chữa bệnh của trạm y tế phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn. Những khu vực có nhiều cơ sở y tế thì nhiệm vụ của trạm y tế sẽ khác so với những vùng có ít cơ sở như: Huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... Các trạm y tế có vị trí đặc thù khác nhau sẽ được phân nhóm để làm cơ sở xác định nhiệm vụ khám chữa bệnh phù hợp.

Ngày 21/3/2016, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn bổ sung về giải quyết vướng mắc trong chính sách BHYT, theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến tỉnh, Trung ương có thể đến bất cứ cơ sở y tế tuyến huyện nào cũng đều được coi là đúng tuyến và được hưởng 100% phạm vi được hưởng.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lưu Thị Liên cho biết, Sở Y tế Hà Nội dự kiến cũng sẽ đề xuất về việc chuyển đổi một số chức năng của những trạm y tế ở khu vực nội thành, ít bệnh nhân vào các hoạt động như tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện các chương trình y tế…

“Đối với các BV tuyến huyện quá tải bệnh nhân trái tuyến, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát chất lượng, yêu cầu BV thực hiện đúng chuyên môn, tránh tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi lâu hoặc nằm ghép”, bà Lưu Thị Liên cho biết.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế không quá lo ngại về sự dịch chuyển bệnh nhân từ trạm y tế lên các BV tuyến huyện. Bởi lẽ, ngành y tế đang nỗ lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế. Tới đây, cùng với việc đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình, công tác chỉ đạo tuyến cũng sẽ được chú trọng nhằm tăng cường nhân lực cho trạm y tế. Theo ông Khảm, như vậy “dịch vụ y tế tại các trạm y tế rồi sẽ đồng bộ hơn, ngoài việc đến khám chữa bệnh thông thường, người bệnh còn được quản lý sức khỏe, tạo sự gắn kết hơn với cán bộ y tế và ở lại với trạm y tế nhiều hơn”.

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế: “Không nên lạm dụng thông tuyến”

Với người bệnh tham gia BHYT lưu ý không nên lạm dụng quy định thông tuyến, đi khám chữa bệnh nhiều nơi, kẻo sẽ lợi bất cập hại. Bởi lẽ, khi công nghệ thông tin chưa thông suốt giữa các cơ sở y tế, các bác sĩ khó có thể đưa ra hướng điều trị hiệu quả nếu bệnh nhân không thông báo rõ tình hình sức khỏe, tình hình sử dụng thuốc… Với các BV huyện, quy định thông tuyến sẽ là cơ hội cho những cơ sở y tế có thương hiệu. Tuy nhiên, ngành y tế sẽ giám sát chặt, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, nhất là chất lượng khám chữa bệnh. Trong tương lai, sẽ chuẩn hóa việc một BS sẽ khám số lượng bệnh nhân nhất định trong ngày, để cán bộ y tế có thêm thời gian trò chuyện, tư vấn cho bệnh nhân. Với các BV quá đông, bên BHXH chắc chắn sẽ “can thiệp”, đơn cử như sẽ giảm mức thanh toán viện phí.


Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tránh lạm dụng quỹ BHYT”

Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, tránh việc người bệnh có thể đi khám một bệnh ở nhiều cơ sở y tế, ngành BHXH Việt Nam đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT. Trong tháng 4/2016, một số BV “điểm” sẽ được cài đặt phần mềm phân tích dữ liệu bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi khám và trình thẻ BHYT, nhân viên y tế nhập mã và sẽ quản lý được toàn bộ quá trình khám chữa bệnh của người bệnh, quan trọng nhất là biết bệnh nhân được khám và điều trị những thuốc gì. Khi đó, BS sẽ không cấp lại những thuốc đã cấp mà bệnh nhân chưa sử dụng hết.


Phương Liên, Đan Phương
Gỡ “nút thắt” mua bảo hiểm y tế
Gỡ “nút thắt” mua bảo hiểm y tế

Sau hơn 1 năm Luật BHYT có hiệu lực, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình vẫn “vướng” do quy định tất cả các thành viên phải tham gia cùng một thời điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN