Rà soát, giám sát chặt hàng tạm nhập, tái xuất

Tình trạng lách luật, lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất (TNTX), đặc biệt là mặt hàng xăng dầu đang khiến ngành hải quan “đau đầu”. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan (TCHQ).

 

 


Thời gian qua, hành vi lợi dụng hình thức TNTX để buôn lậu ngày càng diễn ra rất phức tạp. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Thời gian gần đây, hình thức kinh doanh TNTX phát triển khá mạnh ở khu vực phía Bắc. Bởi, loại hình này được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách thuế, diện mặt hàng (không tính thuế, cấp phép đối với hàng hóa có điều kiện...). Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển chủ yếu là côngtennơ với quãng đường dài, qua nhiều địa bàn, thời gian lưu hàng tại Việt Nam rất lâu. Do đó, một số đối tượng đã lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Từ năm 2012 đến nay, ngành hải quan đã phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan tới việc lợi dụng hình thức nêu trên để buôn lậu. Đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn: tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng về tên hàng, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa. Một số lô hàng bị phát hiện thuộc loại hàng cấm nhập khẩu, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; mất an toàn cộng đồng, an ninh quốc gia; gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cản trở thương mại, vận tải quốc tế.


Ngoài ra, nhiều trường hợp doanh nghiệp mở tờ khai đăng ký tuyến đường và địa điểm xuất khẩu nhưng không thực xuất qua các điểm này, tự ý phá dỡ niêm phong hải quan, sang tải hoặc đưa hàng qua các đường mòn, lối tắt nơi không có lực lượng giám sát, hay khai báo không đúng tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, đặc điểm hàng hóa trong một số lô hàng TNTX.

 

Xin ông cho biết, những vụ buôn lậu lớn liên quan đến lợi dụng hình thức TNTX đã diễn ra gần đây?


Thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện các vụ việc buôn lậu có giá trị lớn lợi dụng loại hình kinh doanh TNTX. Đơn vị đã xác lập chuyên án, điều tra làm rõ các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động TNTX, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhạy cảm như: xăng dầu, thuốc lá, đường kính...


Cục đã phá thành công Chuyên án XD-612 bắt giữ được 4 tầu vi phạm quy định về loại hình TNTX, thu giữ 1.650 tấn xăng, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 27 tỷ đồng. Sự thành công chuyên án này đã góp phần ổn định giá cả mặt hàng xăng dầu trong nước, kiến nghị Chính phủ sửa đổi cơ chế quản lý đối với mặt hàng chiến lược này. Đơn vị cũng đã xác lập và phá thành công Chuyên án XKH09 bắt giữ buôn lậu 296 tấn xăng TNTX của Công ty Xăng dầu hàng không trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 8 tỷ đồng.

 

Cục Điều tra chống buôn lậu đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, hải quan địa phương rà soát, thống kê hàng hóa TNTX tồn đọng tại các khu vực cảng Hải Phòng, các cửa khẩu có hàng hóa làm thủ tục tái xuất tại khu vực biên giới phía Bắc thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai và Điện Biên. Từ đó, đơn vị tiến hành phân loại, đánh giá, xác định tình trạng cụ thể từng lô hàng như: tên hàng, chủ hàng, vị trí côngtenơ, xác định được các tờ khai đã quá hạn nhưng chưa thanh khoản, từ đó có biện pháp đôn đốc, xử lý kịp thời.


Bên cạnh đó, ngành hải quan tổ chức lực lượng, trang thiết bị để kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa TNTX từ cảng Hải Phòng đi các cửa khẩu, đường mòn lối mở trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Lực lượng chống buôn lậu xác định các lô hàng trọng điểm để kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét phát hiện vi phạm.


Tuy nhiên, để công tác này thực sự đi vào nề nếp và hiệu quả, TCHQ đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời sửa đổi, bổ sung qui định như: Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; các cơ quan chức năng cùng phối hợp với TCHQ có cơ chế phân loại, đánh giá doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TNTX thường xuyên.


Trên cơ sở kết quả phân loại, chỉ cho phép những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế,... được hoạt động kinh doanh TNTX.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên rà soát, ban hành bổ sung danh mục hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh TNTX phù hợp với từng thời kỳ. Theo đó, một số mặt hàng như: mặt hàng nhạy cảm, hàng có thuế suất cao, hàng có nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… không cho thực hiện việc kinh doanh theo loại hình này. Các doanh nghiệp kinh doanh, vận tải loại hình này phải thực hiện việc giám sát hàng hóa bằng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để đảm bảo theo dõi.


Xin cảm ơn ông !

Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.


M.Phương- H.Yến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN