Quốc tế phản ứng vụ Syria hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi xảy ra vụ một chiếc máy bay chiến đấu Phantom F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội Syria bắn rơi tại Địa Trung Hải hôm 22/6, các nước đã lên tiếng phản ứng về sự việc này.

 

Ngày 24/6, tại Ankara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) đã họp với các quan chức cấp cao nước này thảo luận về vụ Syria bắn hạ một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/6 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong một tuyên bố ngày 24/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên án hành động trên của lực lượng Syria, đồng thời cam kết sẽ làm việc với Ancara để đưa ra một phản ứng phù hợp. Ngoại trưởng Mỹ cho biết bà đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vào ngày 23/6 để chuyển tải "mối lo ngại nghiêm trọng" về sự việc này, cho đây là "một động thái nữa thể hiện chính quyền Syria coi thường thông lệ quốc tế, sinh mạng con người cũng như hòa bình và an ninh". Bà cho biết thêm rằng đây là một "vấn đề khẩn cấp", và Mỹ sẽ tham vấn về vụ việc này với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), cũng như với Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) về Xyri Kofi Annan. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đưa vụ việc ra NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thành viên. Theo kế hoạch, NATO sẽ họp khẩn cấp để xem xét vụ việc này vào ngày 26/6 tới.

 

Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi cũng lên án việc lực lượng Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, cho đây là "hành động rất nghiêm trọng và không thể chấp nhận được". Ông cho biết Rome sẽ tham gia tích cực trong cuộc tham vấn tại NATO về vụ này.

 

Tranh cãi xung quanh vụ việc, phía Syria khẳng định các lực lượng vũ trang của nước này đã bắn hạ máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ vì nó xâm phạm không phận Syria, trong khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglukhẳng định chiếc máy bay bị bắn hạ khi đang bay trên không phận quốc tế cách Syria 13 hải lý, mặc dù trước đó máy bay có vi phạm không phận Syria trong một thời gian ngắn.

 

Thủ tướng Libăng Najib Miqati ngày 24/6 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại với Xyri nhằm giải quyết vấn đề. Hãng thông tấn quốc gia (NNA) của Libăng dẫn một tuyên bố của văn phòng báo chí của Thủ tướng cho biết ông Micati đã nhận cuộc điện thoại từ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó ông Davutoglu thông báo thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc trên. Thủ tướng Miqati nhấn mạnh: "Đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri sẽ góp phần giải quyết các bất đồng hiện tại, và tình hình trong khu vực đòi hỏi sự thận trọng và kiềm chế của các bên". Thủ tướng Micati cũng bày tỏ "chia sẻ với các gia đình phi công mất tích và hy vọng sự hợp tác giữa các lực lượng của Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các phi công và xác máy bay rơi sẽ giúp dẫn tới kết quả tích cực".

 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi kêu gọi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong khi tìm cách giải quyết vụ việc trên. Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu, ông Salehi bày tỏ hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết một cách thận trọng và thông qua đối thoại, giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

 

Trong một diễn biến khác, hãng tin chính thức củaSyria đưa tin ngày 24/6, lực lượng biên phòng của nước này đã giao tranh với "những phần tử khủng bố" xâm nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ và tiêu diệt một số đối tượng, song không cho biết thêm chi tiết. Tin cho biết vụ việc xảy ra gần một trạm kiểm soát biên giới của Syria ở tỉnh Latakia. Hai nước có đường biên giới chung dài khoảng 600 km.

 

Thổ Nhĩ Kỳ và Davutoglu từng một thời là đồng minh, song quan hệ giữa hai nước đã xấu đi kể từ khi nổ ra các làn sóng biểu tình chống đối Tổng thống Bashar- al Assad tại Syria hồi tháng 3/2011. Đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút các nhân viên ngoại giao của nước này khỏi Damascus. Căng thẳng giữa hai bên ngày càng gia tăng và vụ bắn rơi máy bay F-4 đã trở thành một vụ việc nghiêm trọng trong quan hệ song phương.

 

Trong khi đó, Ôxtrâylia ngày 25/6 thông báo các biện pháp mới trừng phạt Syria, bao gồm hạn chế hoặc cấm các trao đổi thương mại trong các lĩnh vực dầu mỏ, dịch vụ tài chính, viễn thông, kim loại quý. Trước đó Canbera đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và các trừng phạt đối với các cá nhân liên quan đến chính quyền hiện nay ở Syria. Ngoại trưởng Ôxtrâylia Bob Carr cho biết các biện pháp cấm vận mới của nước này phản ánh lập trường của Sydney lên án chính quyền Damascus hiện nay cũng như thúc đẩy đàm phán tại Xyri.

 

Ngoại trưởng Ôxtrâylia cũng kêu gọi Nga đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy chuyển giao quyền lực tại Syria. Ông cho rằng sự tham gia tích cực của Nga - trong vai trò là thành viên thường trực HĐBA LHQ, là "giải pháp khả thi duy nhất hiện nay". Cho đến nay, Moscow vẫn không hưởng ứng phương Tây kêu gọi Tổng thống Syria Assad từ chức và tuyên bố sẽ ngăn cản mọi ý định của HĐBA sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề Syria.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu chuyến thăm Ixraen ngày 25/6 và sẽ bàn thảo về tình hình Syria cùng với vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Theo kế hoạch, cũng trong ngày 25/6, các Ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp ở Lúcxămbua nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria và khả năng áp đặt các trừng phạt mới đối với Chính phủ của Tổng thống Assad .

 

TTXVN/Tin tức

LHQ lo ngại hậu quả vụ Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ
LHQ lo ngại hậu quả vụ Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 23/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về tác động của vụ Syria (Xyri) bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN