Quan tâm hơn đến giáo viên vùng cao

Đảng và Nhà nước đã quan tâm thực hiện chính sách luân chuyển đối với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, tuy nhiên, chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế.


Nghị định số 61/2006/NĐ - CP, ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tại Điều 9 có quy định: “Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam”. Nhưng thực tế ở Lai Châu, số người được chuyển về xuôi chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Trường Mầm non xã Mù Cả đã công tác tại xã biên giới này được 10 năm, do có con nhỏ 2 tuổi, nên mong muốn được chuyển về quê là huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) để gần gia đình, có điều kiện chăm sóc con và bố mẹ già; nhưng vẫn chưa được chuyển. Cùng hoàn cảnh với cô giáo Nga, nhiều thầy, cô giáo khác có vợ, con hoặc chồng ở dưới xuôi, có nguyện vọng chuyển về quê, nhưng liên hệ không được trường nào tiếp nhận. Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng, dạy trường cấp hai ở xã Mù Cả 5 năm, vợ con ở Hòa Bình, có nguyện vọng được chuyển vùng, nhiều lần nghỉ hè về quê, gõ hết cửa nhờ vả, mà vẫn không có kết quả. Mỗi năm, thầy giáo Tùng chỉ về quê 2 lần thăm vợ con vào dịp hè và Tết.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, biên giới chỉ nhận những bông hoa rừng từ các em học sinh, nhưng vẫn vui và hạnh phúc.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Mường Tè (Lai Châu), một năm có khoảng trên dưới 30 giáo viên đến hạn chuyển về quê. Trưởng Phòng Giáo dục Lý Mỹ Ly cho biết, huyện sẵn sàng tạo điều kiện cho giáo viên chuyển nếu có nguyện vọng, nhưng cái khó là ở đầu đến là ai sẽ tiếp nhận? Có nhiều trường hợp, làm đơn chuyển đi rồi, về quê không xin giảng dạy được lại quay lên, huyện vẫn tạo điều kiện tiếp nhận lại.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho rằng, chính sách chuyển vùng cho giáo viên tuy hợp lý, nhưng không có đầu ra thì chính sách này cũng không có giá trị. Đội ngũ giáo viên đã cống hiến, đóng góp rất nhiều vì sự phát triển vùng cao, biên giới, Nhà nước nên có chính sách cụ thể để giải quyết quyền lợi của họ nếu có nhu cầu chuyển vùng. Theo ông Hán, giáo viên chuyển được về quê quá ít so với nhu cầu thực tế ở địa phương, một năm chỉ chuyển được khoảng hơn 300 người.

Giáo viên vùng cao, biên giới như tỉnh Lai Châu, phải đi lại khó khăn, cách trở, mọi chi phí sinh hoạt đắt gấp 3 lần so với miền xuôi, trong khi đó thu nhập không cao. So với chế độ của giáo viên vùng đồng bằng, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn được hưởng tiền hỗ trợ thu hút 5 năm đầu với mức từ 5 - 7% lương, địa bàn biên giới được hưởng thêm 70 - 100% lương. Theo các thầy cô giáo, tiền lương và các khoản hỗ trợ khác, nếu không tằn tiện thì sẽ không thể đủ chi tiêu, nếu có tiết kiệm được cũng chỉ đủ tiền vé về quê. Giáo viên ở xuôi còn dạy thêm tăng thu nhập, ngày lễ, Tết phụ huynh quan tâm bồi dưỡng thêm... trong khi ở địa bàn dân tộc, thương học sinh, giáo viên còn phải bỏ tiền túi mua thêm đồ dùng học tập, mua quần áo cho các em thì lấy đâu ra có các khoản thu nhập khác, nên đời sống rất khó khăn.

Thầy Nguyễn Văn Khải, Phó hiệu trưởng Trường THCS bán trú Mù Cả chia sẻ: “Chúng tôi chịu thiệt thòi về tình cảm, xa gia đình và người thân, cống hiến ở vùng biên giới khó khăn, thì Nhà nước nên quan tâm bù đắp về vật chất. Đời sống được bảo đảm tốt thì giáo viên mới yên tâm cống hiến lâu dài”.

Theo ông Đỗ Văn Hán, Nhà nước cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ, địa phương bố trí cấp đất cho giáo viên, chí ít phải xây dựng nhà công vụ... ; ngành giáo dục chú trọng đến công tác khen thưởng, cử giáo viên đi học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Nếu chính sách thực hiện tốt, các thầy cô giáo sẽ ổn định tâm lý và đầu tư cho công tác giảng dạy, thì chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn sẽ được nâng lên.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Cần chính sách khả thi với giáo viên vùng cao
Cần chính sách khả thi với giáo viên vùng cao

Dạy học lâu năm ở những điểm trường vùng cao, ra trường lâu năm không được biên chế là những khó khăn nhiều năm mà đội ngũ thầy cô giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp phải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN