Quan hệ liên Mỹ: Vừng ơi, mở ra!

Mọi ánh mắt đang hướng về đất nước Trung Mỹ nổi tiếng với con kênh đào nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để được chứng kiến những sắc thái khác nhau trong mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ với “sân sau” của mình...


Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 7 diễn ra trong hai ngày 10 - 11/4 tại Panama thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Hoàn toàn không phải bởi đây là sự kiện ngoại giao lớn "chưa từng có" trong lịch sử Panama với sự góp mặt của lãnh đạo gần như đầy đủ 35 nước thành viên, hay chương trình nghị sự hoành tráng.

Chờ đợi cái bắt tay lịch sử

Cuộc họp tại Panama lần này được xem là một sự kiện mang tính lịch sử khi lần đầu tiên có sự tham dự của phái đoàn Cuba kể từ năm 1962 khi nước này bị khai trừ khỏi tổ chức nhóm các nước cùng khu vực lớn nhất và lâu đời nhất này. Cuba cũng không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, diễn đàn do OAS khởi xướng từ năm 1994 với định kỳ 3 năm/lần.

Cuộc đàm phán tái thiết quan hệ ngoại giao Cuba-Mỹ tại La Habana ngày 23/1.



Với việc các chính phủ cánh tả lên cầm quyền tại nhiều nước Mỹ Latinh và gây sức ép với OAS, Hội nghị thượng đỉnh năm 2009 đã hủy bỏ quyết định khai trừ Cuba. Tuy nhiên, La Habana vẫn cương quyết giữ lập trường không tái gia nhập thể chế châu lục này và khẳng định sự tham gia lần này chỉ thuần túy theo lời mời của nước chủ nhà.

Ngoài sự xuất hiện của Cuba tại Panama City, dư luận quốc tế đang rất mong chờ sẽ được chứng kiến cái bắt tay đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro khi hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp mặt song phương sau quyết định lịch sử cuối năm ngoái về nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn 54 năm Mỹ đơn phương cấm vận Cuba. Chính vì vậy, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro bỗng trở thành hai nhân vật chính của hội nghị OAS lần này.

Sau tuyên bố của hai bên ngày 17/12/2014, chính quyền Mỹ và Cuba đã có nhiều động thái tích cực "sưởi ấm" mối quan hệ "lạnh giá" kéo dài. Mối quan hệ "sóng gió" giữa Mỹ và Cuba từ lâu đã là tâm điểm trong quan hệ quốc tế, không chỉ bởi hai quốc gia có nhiều ràng buộc về mặt lịch sử mà còn bởi lệnh cấm vận hà khắc suốt hơn nửa thế kỷ mà Chính phủ và nhân dân Cuba phải gánh chịu. Tuy nhiên, với những nỗ lực hàn gắn đầy thiện chí vừa qua, mối quan hệ từng một thời đối đầu căng thẳng nay như được thổi "luồng gió mới". Tổng Thư ký OAS Jose Miguel Insulza khi hoan nghênh thiện chí bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba đã cho rằng quyết định của Nhà Trắng giúp xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh.

Nhưng “sân sau” không còn là sân nhà

Những tiến triển mang đầy sắc hồng trong quan hệ Cuba – Mỹ chắc chắn không thể che lấp được những vấn đề gai góc liên quan tới cuộc đối đầu giữa Mỹ với Venezuela cũng như những tranh cãi xung quanh hoạt động của nhà tù ở Vịnh Guantanamo, chương trình quân sự hóa của Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh và nhiều vấn đề khác.

Hội nghị OAS ở Panama được nhận định là một trong những hội nghị khó khăn nhất đối với người đứng đầu nước Mỹ, bởi ảnh hưởng ở khu vực vốn được coi là “sân sau” của nước này đang suy giảm mạnh trước sự nhòm ngó của những nền kinh tế đang lên, trong đó có Trung Quốc. Mỹ hiện tại đang ở thế khá “cô đơn” chính ngay giữa “sân nhà” của mình. Điều này được thể hiện qua việc nhiều nước Mỹ Latinh phản đối mạnh mẽ chính sách của Washington đối với Venezuela, đồng thời muốn Mỹ đóng toàn bộ căn cứ quân sự của siêu cường này trong khu vực.

Vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela vừa qua tiếp tục được đẩy lên một mức mới khi Washington tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời quyết định áp đặt trừng phạt 7 quan chức Chính phủ Venezuela. Động thái này đã kéo lùi mọi nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên nắm quyền vào năm 2013.

Tuy nhiên, những đòn trừng phạt liên tiếp của Washington đối với Caracas vừa qua rốt cục chỉ làm suy yếu hình ảnh của chính “chú Sam” trước thềm Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ dù ngay sát ngày lên đường sang Panama, Nhà Trắng đã bất ngờ có động thái tháo ngòi căng thẳng khi phủ nhận coi Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Tổng thống Nicolas Maduro đến cuộc hẹn châu lục này với sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là từ các nước Mỹ Latinh, với ý định biến đây thành một diễn đàn hùng biện chống lại “sự can thiệp của Mỹ” ở Venezuela. Nhiều chính phủ và tổ chức quần chúng Mỹ Latinh, kể cả Cuba, đã lên tiếng phản đối biện pháp chống Venezuela đầu tháng 3 vừa qua của Mỹ, coi đây là một bước leo thang căng thẳng và tiền đề để can thiệp quân sự. Thậm chí, Tổng thống Bolivia Evo Molrales còn yêu cầu Tổng thống Barack Obama “xin lỗi” Venezuela, nếu không sẽ phải đối mặt với các “phát biểu chống chủ nghĩa đế quốc” tại cuộc họp ở Panama.

Với những căng thẳng liên tục tái diễn, dư luận chưa thể lạc quan về một chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ - Venezuela và con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia này chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai.

Ngoài Venezuela, mối quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước láng giềng phía Nam khác như Ecuador, Argentina, Bolivia… và cả đồng minh Brazil cũng không mấy khi được “xuôi chèo mát mái”.

Tuy nhiên, điều gây chú ý hơn và có thể sẽ là vấn đề nóng hàng đầu của hội nghị là việc nhiều nước muốn Mỹ đóng tất cả các căn cứ quân sự ở khu vực Mỹ Latinh. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Mỹ Latinh có lịch sử lâu đời, nhưng trong bối cảnh mới (sự phản kháng của nhân dân, các chính phủ tiến bộ, sự xuất hiện của các cường quốc khác) đang đặt ra nhu cầu thay đổi hình thức hiện diện này. “Đó là những thứ thuộc về Chiến tranh Lạnh. Đây là lúc để phát triển kinh tế toàn cầu và chúng ta nên bỏ sang một bên những tàn dư của quá khứ. Các căn cứ không còn phù hợp và nên chấm dứt”, Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper nói.

Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba được xem là một điểm sáng tại hội nghị OAS lần này cũng như trong bức tranh toàn cảnh về sự hợp tác liên Mỹ. Nhưng “Vừng ơi, mở ra”! Câu thần chú có lẽ chỉ khiến cánh cửa về kỷ nguyên mới trong quan hệ liên Mỹ mở ra trong chuyện cổ tích.


Khánh Linh

Nhật-Mỹ ra phương châm hợp tác phòng vệ mới cảnh giác Trung Quốc
Nhật-Mỹ ra phương châm hợp tác phòng vệ mới cảnh giác Trung Quốc

Nhật Bản và Mỹ sẽ có thể hoàn tất phương châm hợp tác phòng vệ mới ngay trong cuối tháng 4 này nhằm mục đích nâng cao cảnh giác trước Trung Quốc, trong đó xác định mối liên kết chặt chẽ trong trường hợp xảy ra chiến sự ở các đảo xa bờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN