Phục dựng Khu di tích nhà Trần

Do tác động của thời gian và con người, hầu hết các điểm di tích của Khu di tích văn hóa lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh) đã trở thành... “phế tích”. Công tác phục dựng, tôn tạo khu di tích này hiện đang được tỉnh Quảng Ninh nỗ lực triển khai.


Mất mát phần lớn


Khu di tích văn hóa lịch sử nhà Trần là một trong ba khu di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa quan trọng của triều đại nhà Trần và có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa nghệ thuật của dân tộc; đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể vào ngày 7/2/2013. Mới đây, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đề nghị Chính phủ xem xét, công nhận khu di tích này là di tích quốc gia đặc biệt.

Hai ngôi tháp cổ tại khu vực am - chùa Ngọa Vân thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều, nơi sẽ được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: baoquangninh.vn


Dù có nhiều "cơ hội" như vậy, nhưng việc tôn tạo, tu bổ di tích lại gặp rất nhiều khó khăn.

 

Khu di tích có 14 điểm di tích, được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIII - XIV, với diện tích khoảng 15 km2, kéo dài từ núi Đạm Thủy đến núi Ngọa Vân, thuộc các xã: Thủy An, Tràng An, An Sinh và Bình Khê (huyện Đông Triều). Hầu hết các di tích này đều đã trở thành phế tích. Những tư liệu lịch sử về kiến trúc, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại các di tích... rất thiếu và không tập trung, phải tập hợp và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.


Với các công trình kiến trúc cổ, thì tình trạng cũng không "sáng sủa" hơn. Nhiều công trình cũng gần như biến mất, chỉ còn lại nền móng và những hiện vật vỡ vụn nằm dưới lòng đất. Điển hình như Lăng Tư Phúc, nơi thờ ba vị vua Thái Tông, Thánh Tông và Giản Định Đế, giờ cũng chỉ còn lại một gian nhà bé, mái lợp prôximăng, đồ thờ tự sơ sài và thậm chí còn không có cả đường riêng vào di tích. Ông Hồ Chí Đức, Trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thậm chí, có những di tích dù có tên trong danh mục của quy hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt, song đến giờ cũng chưa thể xác định được chính xác vị trí ở chỗ nào, như Lăng vua Trần Minh Tông, Trần Duệ Tông...


Một vài điểm di tích được trùng tu, xây dựng mới trong những năm gần đây, nhưng lại có kiến trúc không phù hợp với đời Trần. Điển hình như chùa Quỳnh Lâm, từng là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam thời Trần, được ví như “đệ nhất danh lam cổ tích của An Nam”. Trước đây, chùa đã từng được đầu tư xây dựng bằng cách đổ bê tông cốt thép, song may mắn, các cơ quan chức năng đã kịp can thiệp tạm ngưng lại. Lăng mộ của vua Trần Hiến Tông cũng đã được Công ty than Mạo Khê đầu tư xây dựng, nhưng không đúng kiến trúc.


Phải cẩn trọng trong tu bổ


Khu di tích văn hóa lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể với phạm vi nghiên cứu là 11.095 ha (bao gồm địa bàn các xã An Sinh, Tràng An, Thủy An và Bình Khê); quy mô 2.206 ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án này lên tới 1.400 tỷ đồng, được lấy từ các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.


Ngay sau khi có quy hoạch tổng thể, Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về triển khai quy hoạch do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ở cấp huyện, thành lập Ban điều hành do Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ông Hồ Chí Đức, Trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm tới công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều cuộc khai quật, khảo cổ và thảo luận khoa học đã được tổ chức, nhờ đó hiện tại đã có thể phỏng dựng lại khoảng 50% di tích ở Khu di tích nhà Trần tương đối giống với nguyên bản và phù hợp với thời nhà Trần.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai quy hoạch Khu di tích lịch sử nhà Trần một cách sát sao, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng thực hiện.


Ông Đức cho biết thêm: Khoảng một nửa số di tích của Khu di tích nhà Trần đã có thể bắt tay vào xây dựng, phục dựng lại ngay. Cụ thể như Thái Lăng đang triển khai xây dựng; các chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân, đền Thái, chùa Hồ Thiên, chùa Trung Tiết, chùa Quán Ngọc Thanh, cũng đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế hoặc thỏa thuận với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, để triển khai lập dự án phục dựng. Dự kiến đến năm 2016, khoảng 6 chùa, đền của khu di tích sẽ hoàn thành công tác phục dựng.


“Tu bổ di tích không thể làm lấy được; không gấp gáp về thời gian. Bởi muốn có một khu di tích có giá trị thì cần phải tiến hành theo đúng quy trình, có căn cứ khoa học”, Trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm bày tỏ quan điểm. Ông Đức cho rằng: Do thông tin về các di tích quá ít, nên cần phải tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ tìm các vết tích lịch sử. Mỗi cuộc khảo cổ như vậy, nhanh thì vài ba tháng, còn công phu hơn cũng có khi mất 1 đến 2 năm, chi phí khảo cổ khoảng 300 triệu đồng/di tích. Sau đó, phải tổ chức các hội thảo khoa học từ các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước, rồi đi đến thống nhất. Sau các bước này, Quảng Ninh mới có căn cứ khoa học xây dựng các dự án phục dựng, tôn tạo các điểm di tích Khu di tích nhà Trần. Đối với một số di tích đã được xây dựng từ những năm trước đây không đúng kiến trúc, sẽ phải xây mới lại.


Văn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN