Phòng tránh biến chứng nặng do cúm A/H1N1

Từ tháng 2 đến nay, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã điều trị cho nhiều ca nhiễm cúm A/H1N1 bị biến chứng nặng; đặc biệt, có khá nhiều chùm ca bệnh là 5 - 6 người trong cùng một gia đình. Tại sao thời điểm này, dịch bệnh cúm A/H1N1 lại có xu hướng gia tăng?
GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 

 


Vì sao thời gian này lại xuất hiện các chùm ca bệnh cúm A/H1N1 và nhiều bệnh nhân biến chứng nặng? Đây có phải là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch bệnh này sẽ diễn biến phức tạp hơn không, thưa giáo sư?


Kết qủa giám sát cúm trọng điểm của chúng tôi ở nhóm bệnh nhân mắc các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và viêm phổi nặng từ đầu năm 2014 đến nay, trong đó tỷ lệ cúm A/H1N1/09 trong tổng số dương tính với virút cúm có xu hướng tăng lên từ 4,8% (tháng 1/2014) lên 8,2% (tháng 2/2014) và 25,8% (tháng 3/2014). Đây là qui luật theo chu kỳ của cúm nói chung và cúm A/H1N1/09 nói riêng và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong vài tháng tới. Trong tổng số 445 ca mắc các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và viêm phổi nặng ghi nhận được trong 3 tháng đầu năm 2014, cho thấy tỷ lệ dương tính chung với các virút cúm là 29%, trong đó 51,9% là cúm A/H1N1/09, sau đó là cúm B (28,3%) và cúm A/H3N2 (19,8%).

Kết qủa giám sát virút cúm A/H1N1/09 trên qui mô toàn cầu và ở Việt Nam cho thấy đa số các chủng virút này có đặc tính kháng nguyên tương tự với chủng virút cúm vắcxin A/California/07/2009, và đa số vẫn còn nhạy cảm với thuốc tamiflu.


Nhìn chung, diễn biến cúm trong thời gian vừa qua là không có gì đặc biệt bất thường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, diễn biến về tình hình dịch cúm ở Việt Nam có thể sẽ rất phức tạp. Chúng ta đang đứng trước một thách thức rất lớn là bên cạnh sự lưu hành của các chủng virút cúm mùa như đã nêu ở trên, là sự lưu hành virút cúm A/H5N1 ở gia cầm, và nguy cơ xâm nhập của virút cúm gia cầm A/H7N9 từ Trung Quốc.

 

Những đối tượng nào cần phải đi tiêm phòng cúm A/H1N1, thưa giáo sư?


Những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ biến chứng cao có thể dẫn đến tử vong là trẻ em từ 6 - 23 tháng; những người từ 65 tuổi trở lên; người bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ sẽ có thai trong mùa bệnh cúm; những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân... Những nhóm người này cần đặc biệt lưu ý khi có các biểu hiện của hội chứng cúm, đặc biệt khi có khó thở, tím tái, ho có đờm đặc, ho ra máu, sốt cao trên 38,50C và kéo dài 3 ngày, phản ứng chậm, li bì… phải đến ngay cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị kịp thời tránh diễn biến nặng và có thể tử vong.

Các chủng virút cúm lưu hành trên người trên thế giới và tại Việt Nam trong thời gian qua là A/H1N1/2009; A/H3N2; và B. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 5 triệu trường hợp mắc cúm nặng và có từ 250.000 đến 500.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ chết trong số các trường hợp nặng là 5 -10%.


Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao nêu trên nên tiêm vắcxin phòng cúm mùa hàng năm để dự phòng chủ động. Các vắcxin phòng bệnh cúm mùa hiện nay là an toàn và có hiệu quả trong dự phòng bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh cúm. Các vắcxin cúm mùa thường bao gồm 2 chủng virút cúm A và một chủng virút cúm B hiện đang lưu hành phổ biến. Ở Mỹ do tiêm phòng mà tỷ lệ nằm viện của những người trên 65 tuổi bị viêm phổi và cúm đã giảm trên 50%, giảm được mức độ trầm trọng của bệnh, giảm 50 - 60% tỷ lệ biến chứng và giảm khoảng 80% tỷ lệ tử vong.

 

Để phòng tránh bệnh dịch này, người dân cần làm gì, thưa giáo sư?


Trong trường hợp chưa bị nhiễm virút cúm, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm; hạn chế thời gian ở nơi đông người; tránh đưa tay lên mũi và miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao.


Trong trường hợp bị mắc bệnh cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người; thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn; thông báo cho gia đình và bạn bè biết và hạn chế tiếp xúc với người khác; nghỉ ngơi và uống nhiều nước, che kín miệng, mũi trước khi ho và hắt hơi bằng giấy thấm mềm, sau đó cho vào túi ni lông và cho vào thùng rác; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, nhất là sau khi ho và hắt hơi; đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra những người chung quanh; lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa thông thường.


Xin cảm ơn giáo sư !


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN