Phòng khám “tùy tâm” của bác sĩ già

Tại Hà Nội, nhiều người nghèo truyền tai nhau về một bác sĩ ngày ngày miệt mài với công việc khám chữa bệnh cùng tâm niệm giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

 

Bác sĩ Đào Ngọc Bảo điều trị cho bệnh nhân.

 

Mới 7 giờ sáng nhưng tại phòng khám VT3, BT4 khu đô thị Xa La - Hà Nội, bệnh nhân đã đông kín mấy hàng ghế. Đa phần, họ đều xếp hàng từ 5 - 6 giờ sáng. Lần lượt từng bệnh nhân lên khám theo thứ tự, phía dưới mọi người trật tự, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt khám. Một ông lão chừng hơn 70 tuổi, bước từng bước chậm chạp tiến lên phía bàn khám, ngồi xuống đúng vị trí mà một cô gái vừa đứng dậy. Người bác sĩ già hỏi han, rồi yêu cầu ông lão vén áo lên để khám lâm sàng. Sau khi được khám bệnh, kê toa, ông lão đặt hai mươi nghìn đồng xuống mặt bàn rồi ra về. Một bác gái từ hàng ghế đầu bước lên, trên tay cầm theo bịch thuốc nho nhỏ. Dở túi thuốc của bệnh nhân mang theo, bác sĩ kiểm tra thuốc, rồi tiêm cho bác gái kèm mấy câu dặn dò. Trước khi ra về bác gái không quên đặt mười nghìn đồng xuống mặt bàn…


Cứ như thế, hết người này tới người khác thay nhau bước lên gặp bác sĩ, người tiêm, người khám…, và số tiền mỗi lượt khám chừng hai- ba mươi nghìn đồng. Số tiền đó nếu khám ở bệnh viên công và bệnh viện tư, chắc không đủ. Hỏi ra mới biết, ai cũng vậy, tiền khám cứ tùy tâm mà trả. Bác Kỳ, nhà ở Hòa Bình chia sẻ: Tới đây tiêm khám, mỗi người chúng tôi cứ tự giác đưa hai - ba mươi nghìn, hoặc tùy nếu có ít hơn, thuốc thì tự mua, giá thì rẻ mà tiện lợi, không nhiều khâu nhiều cửa như vào viện. Hiệu quả và nhanh khỏi bệnh mà chúng tôi không phải ôm những bịch thuốc to vật về nhà. Mấy bệnh nhân ngồi chờ khám cũng bảo: Nhiều lần thấy ông không lấy tiền thăm khám với những người có hoàn cảnh đặc biệt, những người khó khăn, những em nhỏ mà bố mẹ lam lũ vất vả.


Sự tin tưởng từ những bệnh nhân


Bác sĩ Bảo năm nay đã 72 tuổi, mái tóc bạc trắng, cao gầy với đôi mắt tinh tường.


Phòng khám của ông Bảo mang tên “chuyên khoa nội” với các bệnh về tiêu hóa, thận, mật… nhưng qua thực tiễn và nghiên cứu ông còn có thể khám chữa cả các bệnh về cơ, xương, khớp, các bệnh mà trẻ em thường mắc. Ông còn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho những ca bệnh cần mổ xẻ, cấp cứu, những bệnh ngoài khả năng của phòng khám, vượt xa chuyên môn của ông tới những địa chỉ tốt mà ông biết.


Tới phòng khám của ông hầu hết là các bệnh nhân được chỉ dẫn, mách bảo hay có người quen từng khám giới thiệu tới. Chị Nga ở Hà Đông chia sẻ: Chú tôi đau dạ dầy, đã chữa thời gian dài nhưng không khỏi sinh ra tâm lý tiêu cực chán nản, nhưng tới đây, bác sĩ Bảo đã chữa khỏi cho chú tôi, đồng thời chữa luôn cả bệnh tâm lý. Tôi bị đau khớp vai, đi chụp chiếu, viện bảo không sao nhưng đem phim chụp tới đây, bác sĩ Bảo kết luận tôi bị thoái hóa khớp, cần tiêm 4 mũi và uống thuốc theo chỉ dẫn. Sau 3 mũi tôi thấy đỡ hẳn nên hôm nay tới tiêm mũi cuối cùng. Còn cô Thái Thị Lượng, người Yên Thành- Nghệ An, hồ hởi kể rằng: Trước chồng tôi cũng đau ốm, đi khám, chụp cắt lớp và chữa trị qua nhiều viện, thậm chí lặn lội ra cả Hà Nội nhưng không khỏi. Có nơi còn bảo bị ung thư. Được một người mách địa chỉ phòng khám, chỉ qua mười ngày tiêm, chồng tôi đã khỏi hoàn toàn và tính tới giờ đã hơn chục năm. Cô Lượng vì mới bị đau lưng, nhưng cô không chữa ở đâu mà ra thẳng phòng khám này, vì tin tưởng bác Bảo từ ngày chữa cho chồng mình. “Bác sĩ Bảo tốt lắm, cả khám chữa lẫn thuốc men đều rẻ hơn nhiều bên ngoài. Tôi cũng đã mách mấy người trong quê ra đây...”, cô Lượng nói.


Bác Kỳ, chị Nga hay cô Lượng chỉ là những ví dụ trong vô số bệnh nhân đã được bác sĩ Bảo khám và chữa khỏi bệnh tại phòng khám này. Ông nói: “Cuộc sống này vẫn còn nhiều người khó khăn, có bệnh đã khổ rồi, tôi tiêm khám không đòi họ trả tôi bao nhiêu tiền mà chỉ mong giúp đỡ họ phần nào”. Ngoài giờ làm việc tại phòng khám, ông còn tận tình chỉ bảo cho nhiều thế hệ học trò. Ông vẫn dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thêm tài liệu y học để phát huy hơn nữa khả năng khám chữa của mình. “Tôi luôn mong muốn có thể khám chữa được cho nhiều bệnh nhân hơn, đem hết những gì mình có để phục vụ nhân dân, bảo vệ và mang lại sức khỏe- vốn quý giá nhất cho mỗi con người”, ông nói.

 

Bác sĩ Đào Ngọc Bảo sinh năm 1942 tại Song Phượng nay là thị trấn Phùng - huyện Đan Phượng, nguyên là Trưởng khoa Tiêu hóa viện Quân y 103. Ông đã từng công tác tại nhiều đơn vị như Sư đoàn 312, Viện 108, Viện 103, trong các vị trí như Trưởng khoa, bác sĩ, và giảng dạy, đào tạo những học viên, bác sĩ mới vào nghề. Ông đã được đào tạo chuyên sâu hai năm về y học tại Học viện Kirop - Nga (1968-1970).

 

Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN