Phẫu thuật giá rẻ ở Ấn Độ

Điều gì xảy ra khi các bệnh viện được điều hành theo kiểu kết hợp giữa Wal - Mart (chuỗi siêu thị bán lẻ nổi tiếng Mỹ) và một hãng hàng không giá rẻ? Kết quả có lẽ là thứ gì đó giống như chuỗi bệnh viện Narayana Hrudayalaya ở miền nam Ấn Độ.


 

Một góc bệnh viện được mệnh danh là “nhà máy tim” của Devi Shetty ở Bangalore.

 

Sử dụng các tòa nhà lắp ghép, bỏ hết điều hòa nhiệt độ, thậm chí còn huấn luyện thân nhân của người bệnh giúp một số việc chăm sóc hậu phẫu, chuỗi bệnh viện này tin rằng họ có thể cắt giảm chi phí cho một ca phẫu thuật tim xuống mức rẻ đáng kinh ngạc, 800 USD.


“Y tế ngày nay có quá nhiều dịch vụ ấn tượng chào mời. Hầu hết các loại bệnh đều có thể chữa khỏi. Nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm người dân trên hành tinh này đủ sức chi trả cho các ca phẫu thuật? Một trăm năm sau ca phẫu thuật tim đầu tiên, ngày nay chỉ có không đầy 10% dân số thế giới có khả năng chi trả”, nhà sáng lập của Narayana Hrudayalaya, Devi Shetty, một trong những bác sĩ phẫu thuật tim nổi tiếng nhất thế giới, phát biểu với AFP trong văn phòng của ông ở Bangalore.


Các dự án Narayana Hrudayalaya, có nghĩa là “Ngôi đền của trái tim”, do Shetty khởi xướng đều có chi phí cho cơ sở hạ tầng siêu thấp. Cơ sở đầu tiên là một bệnh viện một tầng ở Mysore, cách Bangalore hai giờ lái xe ô tô. Nơi đây được xây dựng chỉ với khoảng 400 triệu rupee (tương đương 7,4 triệu USD), trong 10 tháng và mới được khai trương.


Bệnh viện Mysore nằm khuất sau những hàng cọ, với 5 phòng phẫu thuật tim, não và thận. Bác sĩ Shetty tuyên bố nó được xây dựng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với ở các nước giàu. “Gần Stanford (Mỹ), họ đang xây một bệnh viện 200 - 300 giường, với chi phí trên 600 triệu USD. Còn một bệnh viện khác đang xây dựng ở Luân Đôn cũng chắc chắn sẽ tốn kém trên 1 tỉ bảng”, vị bác sĩ nói, và cho biết, mục tiêu của ông là “xây dựng và trang bị một bệnh viện chỉ với 6 triệu USD và trong 6 tháng”.


Bệnh viện Mysore thể hiện tầm nhìn của Shetty về tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe Ấn Độ. Ông tin tưởng rằng, mô hình này chắc chắn sẽ nâng cao uy tín của Ấn Độ với tư cách một trung tâm y tế giá rẻ của thế giới đang phát triển.


Tại Mysore, hệ thống điều hòa nhiệt độ chỉ được giới hạn trong khu phẫu thuật và chăm sóc tích cực. Hệ thống thông hơi thì hoàn toàn tự nhiên với những cửa sổ lớn. Người thân hay bạn bè tới thăm bệnh nhân được đề nghị tham gia một khóa đào tạo y tá cấp tốc trong 4 giờ để có thể giúp thay băng gạc hay những việc đơn giản khác.


Hệ thống bệnh viện phẫu thuật chi phí thấp như ở Mysore và sắp tới là tại các thành phố Bhubaneswar và Siliguri, đều ra đời xuất phát từ câu chuyện thành công của Devi Shetty, với bệnh viện tim tiên phong ở Bangalore, khai trương từ năm 2001. Tại đây, mỗi ngày có khoảng 30 ca phẫu thuật tim được tiến hành, một con số cao nhất thế giới, với chi phí rẻ “vô đối” 1.800 USD.


Bệnh viện tim của Shetti còn hoạt động như một siêu thị lớn, mua bán đủ thứ liên quan, kể cả những vật dụng y tế đắt tiền như van tim. Các phòng phẫu thuật hoạt động từ sáng sớm đến đêm, 6 ngày mỗi tuần, thì được cổ vũ bởi nguồn cảm hứng từ các hãng hàng không giá rẻ, vốn luôn tìm cách để các phi cơ bay trên trời càng nhiều càng tốt.


Mỗi bác sĩ tại bệnh viện thực hiện tới 4 ca mổ mỗi ngày, với lương chỉ bằng một phần nhỏ so với ở phương Tây. Shetti cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng, càng làm nhiều, kết quả càng tốt hơn và chi phí thì giảm đi”.


Shetty cũng tiết lộ dự án với nước ngoài đầu tiên của ông là một bệnh viện trên quần đảo Cayman, nơi người địa phương thường tới Mỹ để chữa bệnh với chi phí tốn kém. Ông cũng có ý định mở rộng bệnh viện phẫu thuật giá rẻ sang cả Phi châu. Còn tại Ấn Độ, từ 6.000 giường bệnh tại 17 bệnh viện hiện nay, Shetty lên kế hoạch mở rộng dự án Narayana Hrudayalaya thành một hệ thống 30.000 giường bệnh trong 5 năm tới.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN