Phát triển thương hiệu tại ba vùng chiến lược

Những vùng kinh tế trọng điểm của nước ta như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đều có sản phẩm mang thế mạnh đặc trưng của vùng miền. Chẳng hạn, nói đến Tây Nguyên là nghĩ đến cà phê, hồ tiêu; nói đến Tây Nam Bộ là nghĩ đến lúa gạo, cá tra, trái cây… Tuy nhiên, các vùng miền vẫn chưa khai thác hết được thế mạnh đặc trưng để phát triển kinh tế, việc xây dựng thương hiệu vùng miền vẫn chưa được quan tâm đúng mức.


Tầm nhìn cho thương hiệu vùng miền


Tại Tây Nam Bộ, vùng đất có thế mạnh hàng đầu cả nước về nông sản nên những lễ hội lúa gạo, trái cây, thủy sản… đã được tổ chức ở tầm quốc gia và khu vực với định hướng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu vùng miền. Tương tự, ở Tây Nguyên, lễ hội cà phê đã được tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Ở Tây Bắc, sản phẩm trà tuy chưa có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lễ hội trà Thái Nguyên cũng đang hướng mạnh đến mục tiêu xây dựng thương hiệu cho vùng chè Thái Nguyên.


Sản phẩm bưởi hồ lô của xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) được cả nước biết đến.Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Ở các vùng miền trên cả nước, đã xác lập được hơn 40 chỉ dẫn địa lý và vài chục thương hiệu tập thể mang tên địa danh, ví dụ như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận, chè Tân Cương, chè Shan tuyết... Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại), những cách tiếp cận về thương hiệu vùng miền như vậy là chưa đầy đủ. Thương hiệu vùng miền mới chỉ được đề cập đến ở một khía cạnh xây dựng thương hiệu tập thể mang tên địa danh hoặc gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản. Trong khi đó, nên hiểu thương hiệu vùng miền là hình ảnh đại diện, hình ảnh đặc trưng tổng hợp nhiều yếu tố gắn với sản phẩm, chính sách, đặc trưng du lịch, con người vùng miền đó.

Ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại - Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia) phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam (báo Tin Tức) tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2013 nhằm tạo cơ hội cho các nhà làm chính sách, chuyên gia thương hiệu, kinh tế và chính quyền địa phương làm rõ những vấn đề khái niệm và thực tiễn về xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền; giới thiệu kinh nghiệm về gắn tiếp thị vùng miền với xây dựng thương hiệu quốc gia. Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả sẽ trao đổi về chủ đề phát triển thương hiệu biển Việt Nam với vai trò là công cụ xây dựng hình ảnh quốc gia và tiếp thị cho các ngành kinh tế biển.


Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa có những thương hiệu lúa gạo, thủy sản, trái cây mạnh mang tầm cỡ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng Tây Nam Bộ như lúa gạo, trái cây, thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước; nhưng hầu hết chưa có được thương hiệu mạnh. Do đó, Tây Nam Bộ cần có một chiến lược thương hiệu cho hạt gạo ĐBSCL nói riêng và các sản phẩm cá tra, tôm, các loại cây ăn trái đặc sản trong vùng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

 

Phát triển thương hiệu quốc gia


Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu vùng ĐBSCL cho mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản..., ông Dương Quốc Xuân đề xuất một số định hướng. Thứ nhất, cần phải bắt đầu từ doanh nghiệp, sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.


Thứ hai, phải tăng cường vai trò của nhà khoa học - “chất xám” của thương hiệu nông sản. Các thương hiệu gạo, cá tra, trái cây của ĐBSCL được xây dựng gắn với tên của doanh nghiệp hoặc địa phương, nhưng lại là “chất xám” của nhà khoa học và “mồ hôi” của người nông dân. Để có các thương hiệu nông sản ĐBSCL, phải giải quyết đồng bộ từ khâu giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ và phải tăng cường liên kết “Bốn nhà” thực sự hiệu quả.


Thứ ba, cần giải quyết đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân - khâu đầu tiên của qui trình sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, cá tra, một số mặt hàng trái cây của vùng ĐBSCL, thì mới có thể xây dựng được thương hiệu nông sản mang tính vùng, miền và tầm quốc gia.


Ông Dương Quốc Xuân nhấn mạnh, cần định danh rõ ràng từng thương hiệu gạo, trái cây, thủy sản của vùng ĐBSCL vào Chương trình thương hiệu quốc gia của Chính phủ để quảng bá hình ảnh đất nước. Việc xây dựng một nhãn hiệu “Made in Mekong Delta” cho các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL sẽ là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường xuất khẩu, kể cả trong nước.


Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: "Việc xây dựng thương hiệu vùng miền được nhận thức là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc phát triển thương hiệu vùng miền sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của địa phương, qua đó, giúp nâng cao mức sống của người dân. Việc kết nối với các địa phương lân cận tạo nên sức mạnh của một vùng còn giúp thu hút đầu tư, phát triển thương mại hàng hóa, du lịch... Tất cả các yếu tố đó tạo nên khả năng phát triển không chỉ cho một địa phương, một vùng miền mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, giúp cho các sản phẩm của quốc gia đó dễ tiếp cận vào thị trường trong và ngoài nước hơn”.



Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN