Phát triển kinh tế biển đồng bằng sông Cửu Long Bài cuối: Cần chiến lược chung cho toàn vùng

Trong phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hướng ra biển là một trong 3 “cánh cửa” quan trọng mở mang phát triển ĐBSCL bên cạnh phát triển đường hàng không và kinh tế biên mậu. Trong nhiều năm qua từng tỉnh ở ĐBSCL đã xây dựng chương trình hành động về phát triển kinh tế biển nhưng sự liên kết giữa các địa phương còn rất yếu. Do đó, cần có một chiến lược cho toàn vùng để phát huy lợi thế về kinh tế biển.

 

Bốc xếp hàng container tại Tân cảng Cao Lãnh, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Văn Trí - TTXVN

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ), để hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế biển cả nước thì trước hết phải có chiến lược cho vùng và làm sao liên kết các địa phương với nhau.


Cũng theo ông Hiệp, trong nhận thức của từng địa phương có nơi cũng chưa hiểu rõ phát triển kinh tế biển, thậm chí có vị lãnh đạo một địa phương từng phát biểu rằng do tỉnh không có bờ biển nên không thể phát triển kinh tế biển. Điều này chưa đúng, vì kinh tế biển không chỉ có phát triển thủy sản, công nghiệp năng lượng, dầu khí mà còn là phát triển kinh tế đảo, du lịch biển, dịch vụ hậu cần... Kinh tế biển còn là khai thác các tour tuyến du lịch gắn với biển đảo. Tiềm năng du lịch ĐBSCL rất lớn và có khả năng phát triển đa dạng, phong phú dựa vào lợi thế biển như biển đảo Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang), rừng U Minh, đất mũi Cà Mau... tất cả đều trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Trên thực tế, có nhiều tỉnh dù không có khu vực bãi biển để khai thác hải sản nhưng vẫn có thể phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản gắn với khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, hậu cần logistics... Chẳng hạn như Cần Thơ không có bờ biển nhưng đã đầu tư phát triển hậu cần logistics gắn liền với cảng Cái Cui. Sau khi được đầu tư giai đoạn 1 hiện nay cơ quan chủ quản Tổng công ty Hàng hải đang đầu tư cảng Cái Cui giai đoạn 2 với hệ thống vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa hiện đại, công suất bốc dỡ có thể đạt 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo quy hoạch, cảng biển Cái Cui thuộc nhóm cảng biển số 6 của nước ta và là cảng chính của cụm cảng Cần Thơ, trực tiếp phục vụ khu công nghiệp Hưng Phú - TP Cần Thơ đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh phía Tây sông Hậu gồm An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.


Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vận tải biển là lợi thế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, được xác định là mũi nhọn để thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long với các quốc gia trên thế giới, đảm bảo sự phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một giải pháp căn cơ để giải quyết nhu cầu bức xúc cho các cảng biển trong vùng với công suất hiện nay hoạt động rất thấp. Khảo sát của một công ty tư vấn nước ngoài cho thấy, nếu đồng bằng sông Cửu Long giải quyết được tàu lớn vào các cảng biển như Trà Nóc, Cái Cui thì mỗi tấn hàng hóa giảm chi phí từ 6 - 8 USD. Như vậy, với mức nhu cầu vận chuyển 35 triệu tấn hàng hóa hàng năm của ĐBSCL có thể tiết kiệm được khoảng 250 - 300 triệu USD.


Thống kê của Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cũng cho thấy, có đến 15 bến cảng hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới khai thác từ 20% đến dưới 50% công suất, trong đó có nhiều cảng chỉ hoạt động cầm chừng. Đặc biệt là lượng hàng hóa qua các cảng Trà Nóc, cảng Cái Cui (thuộc nhóm cảng biển số 6) liên tục sụt giảm từ 1,3 triệu tấn năm 2011 xuống còn 1,2 triệu tấn năm 2012 mà nguyên nhân chính là luồng bị mắc cạn.


Tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ dài 121 km có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động hàng hải của 13 cảng khu vực Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với lượng hàng hóa thông qua hơn 4 triệu tấn/năm. Để tìm giải pháp ổn định và lâu dài cho luồng Định An, phương án đào kênh tắt Quan Chánh Bố nối luồng Định An tại huyện Trà Cú thông ra cửa biển thuộc huyện Duyên hải tỉnh Trà Vinh đã được triển khai vào năm 2009 nhưng hiện công trình đang giãn tiến độ do thiếu kinh phí.


Ông Trần Hữu Hiệp cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, khảo sát, đánh giá hiệu quả của việc nạo vét thời gian qua để đề xuất giải pháp trước mắt cho việc khơi thông luồng Định An trong khi kênh Quan Chánh Bố chưa hoàn thành. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với các tỉnh thành trong vùng tiến hành khảo sát, đánh giá, đặc biệt là đề xuất giải pháp khơi thông luồng Định An trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chậm nhất là ngày 30/5/2013. Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ trong chỉ đạo tập trung nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long.


Việt Âu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN