Phát triển giáo dục vùng dân tộc

Sóc Trăng là địa phương trọng điểm, có số đồng bào Khmer sinh sống đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với hơn 400.000 người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Vấn đề nâng cao giáo dục dân tộc (GDDT) cho học sinh nói chung và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) nói riêng, những năm qua luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo kịp thời của các sở, ngành trong tỉnh.


Chú trọng vùng dân tộc


Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, nếu như khi tái lập tỉnh (năm 1992) tại tỉnh chưa có trường PTDTNT nào đến năm 1993-1994 mới thành lập được trường PTDTNT đầu tiên (nay là trường THPT DTNT Huỳnh Cương), thì đến nay, hầu hết các huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có trường PTDTNT. Tính đến cuối năm học 2012-2013, toàn tỉnh Sóc Trăng có 577 trường từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) với trên 260.000 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc Khmer từ mầm non đến THPT trên 75.000 học sinh (chiếm gần 30% học sinh toàn tỉnh). Phấn đấu đến cuối năm 2013, những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống (trên 10.000 dân) đều có trường PTDTNT.


Con em đồng bào Khmer được học chữ Khmer.


Có thể thấy, các trường PTDTNT với vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc được xem là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, góp phần đào tạo cán bộ cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, các trường PTDTNT luôn có nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trong 2 năm gần nhất, trường PTDTNT tỉnh đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%; thậm chí, có học sinh còn đỗ thủ khoa với 57 điểm.


Bên cạnh đó, các đơn vị trường học còn tích cực vận động những nguồn lực trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị. Trong đó, nhà trường luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và lễ hội do ngành và địa phương tổ chức, duy trì việc hướng các em học sinh sử dụng nhạc cụ dân tộc dân gian như ngũ âm, trống Sa Dăm… Hiện tất cả các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đều được trang bị những nhạc cụ này và có hẳn một đội nhạc do học sinh của trường đảm trách.


Tăng cường dạy và học chữ Khmer


Trong nỗ lực nâng cao chất lượng GDDT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có sự đóng góp đáng kể của chính sách tăng cường việc dạy và học chữ Khmer cho con em đồng bào Khmer cả trong và ngoài hệ thống giáo dục. Nhờ có quan điểm, chủ trương đúng đắn nên việc dạy và học chữ Khmer đạt được những kết quả thiết thực, đem lại sự tin tưởng tuyệt đối của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; góp phần từng bước nâng cao dân trí, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc. Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có gần 160 trường vùng đồng bào dân tộc có dạy tiếng dân tộc với trên 40.000 học sinh. Đấy là chưa kể, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 92 ngôi chùa Khmer luôn có dạy chữ Khmer cho con em đồng bào trong phum sóc vào các dịp hè. Sự đóng góp của những ngôi chùa Khmer là rất lớn trong việc giữ gìn chữ viết của đồng bào, cũng như tạo nên một phong trào học tập tại các phum sóc Khmer.

Việc dạy và học chữ Khmer cho cán bộ, công chức tại Sóc Trăng ngày càng nở rộ và đi vào chiều sâu. Chỉ trong vòng vài năm gần đây, phong trào học chữ Khmer do Hội Khuyến học phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức đã giúp cho nhiều cán bộ chủ chốt trong tỉnh biết đọc và viết chữ Khmer tương đối thành thạo. Từ đó giúp cho việc thực thi nhiệm vụ được dễ dàng hơn, góp phần không nhỏ trong việc đưa những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào ngày càng tốt hơn, nhanh hơn và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đồng bào hơn.


Song song với việc duy trì dạy và học chữ Khmer thì chính sách cử tuyển cũng làm cơ sở cho việc tạo nguồn cán bộ, đội ngũ tri thức là người dân tộc, đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác tại địa phương. Tính từ năm 1999 đến nay, đã có trên 1.300 sinh viên được cử tuyển đi học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, sau đó quay về phục vụ công tác tại địa phương.


Theo Phòng Giáo dục Dân tộc (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng), nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền, của ngành giáo dục và những chính sách phù hợp đã tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn có cơ hội đến trường, rộng mở con đường tri thức. Nhờ thực hiện tốt chính sách cử tuyển, chính sách miễn giảm học phí, mở rộng quy mô, loại hình đào tạo nên nguồn cán bộ, đội ngũ tri thức là người dân tộc ngày càng nhiều.


Với sự nỗ lực của chính quyền, sự nỗ lực của ngành giáo dục, cùng sự ý thức ngày càng cao của đồng bào Khmer trên con đường tri thức, chất lượng giáo dục của Sóc Trăng ngày càng được nâng tầm. Đặc biệt, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc được nâng lên đã góp phần làm cho dân trí và đời sống của người dân ở các phum sóc Khmer vùng sâu, vùng xa phát triển nhanh chóng. Quá trình thay đổi ấy như lời khẳng định cho những chính sách đúng đắn mà ngành giáo dục và nhân dân Sóc Trăng đang xây dựng; nhằm đưa địa phương dù còn nghèo và có đông đồng bào dân tộc như Sóc Trăng, vươn lên ngang tầm về mặt dân trí cùng với nhiều tỉnh, thành trong khu vực cũng như cả nước.


Bài và ảnh:Trung Hiếu - Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN