Phát triển chăn nuôi vùng trung du, miền núi phía Bắc

Nếu lựa chọn được những loài vật nuôi có tiềm năng, tự chủ khâu sản xuất giống, cải tiến các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi... thì chăn nuôi của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc sẽ phát triển, khẳng định vị thế ngày càng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng.

 

Chưa xứng tiềm năng


Mặc dù có thế mạnh về chăn nuôi, thời gian qua, khu vực trung du, miền núi phía Bắc vẫn chưa tận dụng hiệu quả được những tiềm năng riêng có của mình.

 

Nhiều lợi thế


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có nhiều thế mạnh để phát triển về lĩnh vực chăn nuôi. Vùng có 14 tỉnh, diện tích đất nông nghiệp là 15 triệu ha, chiếm 15,8% quỹ đất nông nghiệp của cả nước và có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi.


 

Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều hộ nông dân ở Chi Lăng (Lạng Sơn) đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi, lãi từ 60- 70 triệu đồng/năm.

 

Bên cạnh đó, vùng có thế mạnh về chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là trâu bò; bảo tồn, lưu giữ, phát triển được nhiều loài vật nuôi bản địa có ý nghĩa kinh tế cao như bò Mông, lợn mán, gà đồi, dê núi... Chăn nuôi bò sữa cũng phát triển mạnh, giúp người dân ở một số tỉnh có tiềm năng như Sơn La, Tuyên Quang... phát triển kinh tế, làm giàu. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn và gia cầm, đặc biệt là các loài lợn và gà bản địa cũng phát triển nhờ có giá trị kinh tế cao.


Đồng thời, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho chăn nuôi của vùng cũng rất thuận lợi. “Ngoài thị trường trong nước thì thị trường Trung Quốc cũng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.


Lãnh đạo ngành NN&PTNT cũng cho biết, tới đây, Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những hiệp định hợp tác để thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa hai nước nói chung, trong đó có sản phẩm chăn nuôi nói riêng.

 

Nhiều trở ngại cần hóa giải


Mặc dù sở hữu những thế mạnh nói trên, tuy nhiên, ngành chăn nuôi của đa số các tỉnh trong khu vực đều chưa phát huy hết những tiềm năng sẵn có. Đơn cử, hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi theo quy mô trang trại của khu vực chỉ 8,1%, trong khi đó ở đồng bằng sông Hồng là 38% và Đông Nam Bộ là 29%. Ông Đàm Văn Eng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, do chưa phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa lớn nên chăn nuôi lợn trên địa bàn chưa thể cung ứng đủ cho nhu cầu của địa phương, tỉnh vẫn phải nhập từ các tỉnh khác. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn...


Quá trình phát triển chăn nuôi của vùng này trong những năm qua bộc lộ nhiều bất cập như: chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao về cả số lượng đầu con và sản lượng thịt. Năm 2011, tỷ lệ chăn nuôi lợn quy mô từ 1- 2 con vẫn chiếm trên 51%, chăn nuôi gà với quy mô từ 1- 19 con vẫn chiếm gần 50%.
Một khó khăn chung của các tỉnh trong khu vực là khó tự đảm bảo về con giống. “Không chỉ riêng đàn lợn mà chăn nuôi gia cầm, Cao Bằng cũng đang thiếu con giống trầm trọng”, ông Đàm Văn Eng chia sẻ. Nhiều năm qua, người dân vùng biên luôn sử dụng giống gia cầm nhập từ Trung Quốc. Đây cũng là thực tế của tỉnh Lạng Sơn và Lai Châu. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết ngành chăn nuôi của tỉnh hiện mới chỉ chủ động được 40% về con giống. Còn ở Lai Châu, vẫn phải nhập giống từ đồng bằng lên, trải qua một quãng đường vận chuyển, bà con nông dân phải mua với giá rất đắt. Thậm chí, việc nhập giống này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.


Những khó khăn khác cũng đang tác động xấu đến hiệu quả chăn nuôi là tập quán chăn nuôi gia súc gia cầm còn thả rông và chưa chủ động được thức ăn, nhất là trong những vụ rét, kỹ thuật chăn nuôi của nông dân chưa cao.


Đặc biệt, thời gian gần đây, các tỉnh trong vùng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Áp lực này khiến nhiều nơi, người nông dân phải chấp nhận bán sản phẩm chăn nuôi dưới mức giá thành.


Để khắc phục những yếu điểm, khó khăn đồng thời giúp khu vực này phát huy được những ưu thế của vùng, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, thời gian tới, các tỉnh phía Bắc sẽ phải lựa chọn những vật nuôi là tiềm năng, có sức cạnh tranh. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Nhà nước phải tập trung giúp các tỉnh biên giới có đủ năng lực sản xuất giống để chủ động nguồn giống tại chỗ; hỗ trợ và khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất thức ăn tự chế để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng tăng cường liên kết giữa sản xuất tiêu thụ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN