Phát triển chăn nuôi trang trại theo quy mô lớn

Ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Khu vực trung du, miền núi phía Bắc với nhiều ưu đãi về điều kiện tự nhiên và lợi thế thị trường cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đặc biệt cần chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại theo quy mô lớn.

´Thưa ông, trong định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của cả nước, tại vùng trung du và miền núi phía Bắc có thế mạnh gì cần phát huy?


Vùng trung du và miền núi phía Bắc có không gian rộng lớn, điều kiện môi trường sinh thái tốt, các điều kiện đất đai cũng rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi.


Theo định hướng của ngành nông nghiệp là chuyển dần các trung tâm chăn nuôi ra khỏi các vùng đồng bằng và đông dân cư nên từng địa phương ở trung du, miền núi phía Bắc phải có những vận dụng sáng tạo, chính sách cụ thể.


Trên cơ sở quy hoạch của từng địa phương ngành nông nghiệp sẽ có những chính sách hỗ trợ khuyến khích cho những vùng được khuyến khích chăn nuôi. Tôi cho rằng, không chỉ các tỉnh miền núi phía Bắc mà các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên do có không gian còn rộng điều kiện tự nhiên đất đai thuận lợi cũng nên quan tâm đến phát triển chăn nuôi.


´Khâu giống đang là khâu đặc biệt yếu của chăn nuôi tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Ngành có những định hướng ra sao trong thời gian tới để tháo gỡ vướng mắc này?


Tôi cho rằng, một mặt, các địa phương phải chủ động. Mặt khác, Trung ương cũng phải hỗ trợ về kinh phí, giống gốc, kỹ thuật để xây dựng được những mô hình phát triển chăn nuôi phù hợp. Chúng tôi đang khuyến cáo các trung tâm nghiên cứu, các trạm, trại nghiên cứu giống đặt những “vệ tinh” ở trên các tỉnh này để giúp cho các địa phương tiếp cận được với những kỹ thuật nhân giống tốt. Từ đó, hướng cho địa phương tới việc tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu giống trong tương lai.


Tất cả các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đều cần được hỗ trợ. Nhưng trước hết, vẫn cần ưu tiên nhất cho các tỉnh vùng biên. Bởi vì, khi tự chủ được nguồn giống từ nội địa, chất lượng cao và cạnh tranh về giá thì sẽ hạn chế giống từ nước khác tràn vào theo con đường nhập lậu. Từ đó, ngành chăn nuôi khu vực này mới thực sự phát triển bền vững được trong tương lai.

 

´Được biết, Cục Chăn nuôi đang xây dựng Dự thảo hỗ trợ chăn nuôi nông hộ an toàn và bền vững giai đoạn 2013- 2020. Trong đó, việc ưu tiên cho các tỉnh miền núi phía Bắc đang được đặt ở mức độ như thế nào, thưa ông?


Chúng tôi đã và đang lấy ý kiến cho Dự thảo. Các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ, chúng tôi vẫn quan trọng nhất là làm sao khả thi, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Bởi chủ yếu vẫn là ngân sách địa phương hỗ trợ.


Hướng hỗ trợ mà chúng tôi đang xây dựng sẽ là chủ yếu về khâu sản xuất giống, kỹ thuật chăn nuôi làm sao cho người chăn nuôi nông hộ ở các tỉnh phía Bắc làm chủ được kỹ thuật về giống, thức ăn, dịch bệnh, quản lý và nắm bắt thị trường để họ phát triển trong quá trình cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Đối tượng được hỗ trợ là những hộ nào phát triển chăn nuôi an toàn về dịch bệnh, về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.


Dự kiến trong tháng 6/2012 dự thảo sẽ hoàn thiện, tháng 7/2012 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.


Xin cảm ơn ông!

Nuôi lợn 'không tắm' hiệu quả cao
Nuôi lợn 'không tắm' hiệu quả cao

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN