Phát hiện kháng thể tự nhiên chống bệnh dại

Trong bài viết với tựa đề “Phát hiện một loại kháng thể tự nhiên chống bệnh dại”, tờ "Le Figaro" số ra mới đây cho biết các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu ở hai vùng khác nhau tại Pêru, nơi có nhiều người mắc bệnh dại do bị dơi cắn.

 

Dơi có thể truyền bệnh dại cho người qua vết cắn của chúng trên cơ thể người. Nguồn: Internet.

 

Qua xét nghiệm máu của 63 người, nhóm nghiên cứu đã phát hiện có đến 6 trường hợp trong máu có chứa chất kháng virút gây bệnh dại. Điều đáng chú ý là cả 6 người này chưa một lần tiêm vắcxin ngừa căn bệnh quái ác này. Nghiên cứu cũng cho thấy, ở những vùng bị bệnh dại hoành hành, lượng kháng thể “tự nhiên” nói trên cao hơn những vùng ít bị bệnh dại đe dọa.

 

Phát hiện này rất quan trọng, sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của việc điều trị bệnh dại, bởi cho đến nay, đa số các trường hợp mắc bệnh dại đều bị tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh dại đã cướp đi sinh mạng của khoảng 55.000 người trên toàn thế giới.

 

Liên quan đến vật trung gian truyền bệnh dại, đứng đầu vẫn là chó. Tuy nhiên, loài dơi cũng đang ngày càng “khẳng định tên tuổi” trong việc truyền bệnh dại. Tại Australia, các nước Mỹ Latinh, các nước Đông Âu, dơi đã thực sự trở thành một mối đe dọa truyền bệnh dại cho con người.

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN