Phạm Thu Hà và con đường không có hoa hồng...

Phạm Thị Thu Hà - tên thật, Phạm Thu Hà - nghệ danh và Hà Phạm - như đôi khi mọi người gọi. Vẫn là Hà, cô gái đang "hot" tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2013 của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN). “Hot” bởi nhiều người bảo chưa biết nghệ sĩ có tới hai đề cử: “Nghệ sĩ mới” và “Album được yêu thích nhất” này là ai. Thế nhưng, với những người biết “là ai…” thì lại khẳng định Hà thật sự xứng đáng.

 

Thích con đường chông gai…


Phạm Thu Hà bắt đầu con đường hoạt động nghệ thuật từ năm 2001 bằng cách chọn cho mình một dòng nhạc và giọng hát cần được khổ luyện. Bắt đầu từ hệ trung cấp thanh nhạc và sau đó là bậc đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp một năm, Hà tham gia giảng dạy tại Trường Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Hiện tại, Phạm Thu Hà đang tiếp tục theo học Cao học biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


Phạm Thị Thu Hà - tên thật, Phạm Thu Hà - nghệ danh và Hà Phạm - như đôi khi mọi người gọi. Vẫn là Hà, cô gái đang "hot" tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2013 của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

 

Phạm Thu Hà luôn nghiêm túc tới khắt khe trong hành trình theo đuổi con đường nghệ thuật riêng của mình, dẫu con đường ấy, như Hà tâm sự "không phải là con đường sẽ có nhiều khán giả, nhiều người yêu mến mình". Và quan trọng hơn, là Hà đã luôn được gia đình ủng hộ. Hà tâm sự, cô say mê và yêu thích dòng nhạc bán cổ điển (semiclassical) và dòng nhạc trữ tình lãng mạn của Việt Nam. Với cô, những nhạc sĩ yêu thích là Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Dương Thụ. Và những nghệ sĩ biểu diễn cô yêu thích gồm 2 cái tên: Trong nước là Hồng Nhung, quốc tế là Sarah Brightman.


Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Sẽ là điều rất đáng tiếc nếu những giọng hát đẹp và có nền tảng như Hà không đến được với người nghe. Nhưng quan trọng hơn, Hà là một ca sĩ có tư duy để biết sự kết hợp phải như thế nào mới là hay, là đẹp chứ không phải gượng ép hay kệch cỡm”.

Giọng ca Phạm Thu Hà bắt đầu được nhắc tới nhiều nhất sau khi Hà xuất hiện trên sân khấu “Bài hát yêu thích” vào tháng 11/2012 với ca khúc “Lụa” của nhạc sĩ Quốc Bảo.


“Lụa” là ca khúc mà nhạc sĩ Quốc Bảo viết riêng cho chất giọng soprano của Phạm Thu Hà, cũng là ca khúc đánh dấu cho sự gặp gỡ của Phạm Thu Hà với nhà sản xuất Quốc Bảo. Nhạc sĩ Quốc Bảo tâm sự, “Lụa” được viết từ cảm hứng của nhạc sĩ khi đọc tác phẩm văn học Italia - “Silk” của nhà văn Alessandro Baricco (đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam). Đó là câu chuyện về nước Pháp năm 1861 khi một dịch bệnh đe dọa xóa sạch việc buôn bán lụa ở Pháp quốc.

 

Phạm Thu Hà: “Giải thưởng âm nhạc Cống hiến là một sự ghi nhận có giá trị cho những sản phẩm âm nhạc và những người làm âm nhạc nghiêm túc. Hơn nữa đây là một giải thưởng công tâm do các nhà báo bình chọn và có tính định hướng thẩm mĩ âm nhạc cho công chúng, cổ vũ những nghệ sĩ làm âm nhạc mang nhiều sự cống hiến và sáng tạo. Đây thực sự là một động lực làm nghề cho những người làm âm nhạc. Với cá nhân Hà, được lọt vào đề cử giải Cống hiến 2013 là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong lĩnh vực âm nhạc mà Hà hoạt động vốn dĩ đã rất khó khăn về mặt khán giả, để tìm được một đường đi đến với trái tim của khán giả đã khó, tìm một con đường mới lại càng khó khăn hơn. Hà rất mừng vì sẽ có thêm nhiều khán giả vì đề cử Cống hiến sẽ ít nhất một lần tìm đến sản phẩm “Classic meets Chillout” của Hà. Với Hà, thêm một người đến với âm nhạc của mình, thêm một người quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc cổ điển đã là một nguồn động viên lớn lao. Được lọt vào đề cử đã giúp Hà đã có thêm rất nhiều sự tự tin, động lực để bước tiếp trên con đường âm nhạc của riêng mình”.

Herve Joncour, một chàng nuôi tằm trẻ tuổi, đã phải vượt qua những châu lục xa xôi để đến Nhật Bản, vốn bế quan tỏa cảng với những kẻ "ngoại quốc", để mua cho được giống tằm khỏe mạnh. Trong những cuộc điều đình bí mật với một ông trùm địa phương, Joncour đã bị hớp hồn bởi người thiếp của ông ta, một thiếu phụ có đôi mắt không chút nào phương Đông. Cho dù họ không thể trao đổi với nhau bất kỳ điều gì kể cả một hai lời nói, nhưng tình yêu đã bừng nở giữa họ, một mối tình được chuyên chở bằng những thông điệp khó hiểu...


Ám ảnh như một khúc nhạc mê đắm, “Lụa” chính là một câu chuyện được bỏ bùa mê, một khúc trần thuật tinh tế và một thành tựu về phong cách sáng tác văn học… Và bị "ám ảnh" bởi "Lụa", nhạc sĩ Quốc Bảo đã viết ca khúc cùng tên, như lời người con gái nói cho người tình phương xa của mình, về khát vọng, sự chờ đợi và cả sự nhẫn nhịn của cô trong tình yêu… Theo đánh giá của giới chuyên môn, “Lụa” giống như một thể nghiệm ngược: Pop hóa một giọng ca và một bài hát bán cổ điển, thật sự là một thử thách cả với những nghệ sĩ đã từng trải. Nhưng kể cả một “bề dày” của cốt truyện, cả cách “ngược hóa” này cũng không làm khó được Phạm Thu Hà. Ngược lại, “Lụa” đã góp phần giúp Hà ghi dấu ấn của mình trong chương trình “Bài hát Việt” lần đầu tiên cô xuất hiện này. Có lẽ, cũng bởi cô đã dám làm những điều “khó” trong thế giới nghệ thuật ngày càng “dễ dãi” hiện nay…

 

Luôn tìm tòi


“Không có gì quý giá hơn kinh nghiệm thực tế”, đó chính là suy nghĩ của Hà. Và như thế, từ kinh nghiệm thực tế, Hà bước từng bước trên những con đường âm nhạc được đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng.


Năm 2011, để đánh dấu thời điểm tốt nghiệp Đại học, Phạm Thu Hà đã thu âm album nội bộ mang tên “Tình thu”, với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ - hai nhà sản xuất hàng đầu: Trần Mạnh Hùng - Võ Thiện Thanh - Hoài Sa. Và đây chính là cơ duyên để Phạm Thu Hà chính thức bước vào làng nghệ thuật, với sự giúp đỡ của nhà sản xuất Võ Thiện Thanh. Sau album này, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã quyết định đưa Hà đến với công chúng.


Nhạc chillout (chillout music) là tên gọi chung cho nhiều phong cách nhạc điện tử với những âm thanh êm dịu, tiết tấu chậm, mang tính thư giãn. Các bản nhạc chillout có thể ra đời từ sáng tạo nguyên bản hoặc là các sản phẩm remix từ các chất liệu âm nhạc có sẵn. Khi kết hợp chillout với nhạc cổ điển nói chung và opera nói riêng, các nghệ sĩ thường khai thác những giai điệu đẹp - vốn rất phong phú trong kho tàng nhạc cổ điển đồ sộ - và cách hát du dương hoặc thủ thỉ tâm tình. Các tác phẩm có thể lấy ra từ các vở opera hoặc chuyển thể từ các bản nhạc không lời, các tiểu phẩm cho nhạc cụ độc tấu. Ca sĩ có thể giữ nguyên lối hát cổ điển hoặc pha trộn lối hát nhạc pop. Với mỗi bài hát, tùy theo cách hát được chọn (cổ điển hoặc pop, hoặc pha trộn) sẽ có cách hòa âm và các mẫu âm thanh (sound sample) phù hợp để tạo được hiệu ứng hoàn hảo vừa mang tính thư giãn, vừa giữ được vẻ đẹp vốn có của nhạc cổ điển.

Nhưng khác với cách chọn lối thể hiện âm nhạc thính phòng kinh viện, Võ Thiện Thanh muốn Hà làm quen với những dòng âm nhạc đương đại, trẻ trung, cập nhật và gần gũi với đại bộ phận công chúng hơn. Đây là một cách làm hiệu quả mà chuyên môn thường gọi là classic crossover (cổ điển giao thoa). Nhiều nghệ sĩ danh tiếng trên thế giới như Sarah Brightman, Andrea Bocelli hay Josh Groban, Il Divo… đã lựa chọn cách làm này để đi đến với số đông công chúng, thay vì gói mình trong những không gian âm nhạc cổ điển và kén chọn người nghe.


Ở Việt Nam, năm 2005, khi trào lưu Hip-hop bắt đầu du nhập vào Việt Nam thì bộ 3 Mỹ Linh - Anh Quân - Huy Tuấn tung ra album “Chat với Mozart”. Đây có lẽ là sản phẩm âm nhạc Classical Crossover đầu tiên ở Việt Nam. Đến năm 2009, Đức Tuấn tiếp tục ghi dấu ấn với thị trường nhạc Việt bằng album nhạc kịch “Music of the night” - một đĩa nhạc được đầu tư khá công phu, thậm chí có cả sự tham gia của các nghệ sĩ và chuyên gia quốc tế. Sự ghi nhận lớn nhất cho sản phẩm này chính là hai giải thưởng Cống hiến dành cho Đức Tuấn năm đó.


Và Phạm Thu Hà đã tiếp nối con đường ấy. Album “Classic meets Chillout” (ra mắt tháng 11/2012) là sản phẩm hợp tác chính thức đầu tiên của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với ca sĩ Phạm Thu Hà. Với sự định hướng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, Phạm Thu Hà đã có niềm tin để thực sự bước vào thị trường âm nhạc. Cô gọi album “Classic meets Chillout” này là album đầu tay - với hy vọng nó như một tấm hộ chiếu để cô chính thức bước vào làng nhạc. Album “Classic meets Chillout” gồm 9 tác phẩm thanh nhạc cổ điển được hát nguyên bản và soạn lời Việt mới, hát trên nền âm nhạc điện tử chillout bởi nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, đã mang tới thành công cho Hà, trước hết là với hai đề cử tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm nay.


Sau thành công của album “Classic meets Chillout”, Phạm Thu Hà tiếp tục thử sức mình với dòng nhạc chillout. Năm 2013 này, Phạm Thu Hà sẽ thực hiện dự án âm nhạc mang tên “Bốn mùa” (Four seasons 2013), bao gồm 4 single cho 4 mùa và phát hành phi lợi nhuận dưới hình thức online… Khi hoàn tất dự án này, sẽ có phiên bản đặc biệt phát hành chính thức dưới dạng CD. Mở đầu sẽ là “Spring Single” gồm 3 ca khúc: “Bài hát ru cho anh” (Dương Thụ), “Bình yên” (Quốc Bảo), “Xin cho tôi” (Trịnh Công Sơn), với sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng trẻ Rhapsody Philharmonic. Đặc biệt, 3 ca khúc đều do nhạc trưởng Lưu Quang Minh của Rhapsody Philharmonic hòa âm và đều được làm mới theo phong cách Chillout để phù hợp với phong cách classic-crossover của Phạm Thu Hà.


Vâng, quả là Hà đã chọn con đường không có hoa hồng để đi, vì thế Hà không sớm thành công và không được biết tới nhiều như những ca sĩ "thị trường" hiện nay. Nhưng cũng vì thế, mà thành công của Hà là một thành công vững chắc, một sự vươn lên trong âm nhạc đích thực. Thế nên, không thể không khẳng định, cô hoàn toàn xứng đáng với hai đề cử của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến này.


A.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN