Ông Obama giành lại thế trận

Mất điểm trước đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong lần "so găng" đầu tiên ở Denver cách đây hai tuần, Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama đã có màn phản pháo khá ngoạn mục trong cuộc "cân não" thứ hai vừa diễn ra sáng 17/10 (giờ Việt Nam) ở New York. Theo đánh giá chung của giới phân tích, trong lần "cân não" này, Tổng thống Obama đã thể hiện một phong cách mạnh mẽ hơn hẳn so với lần đầu và ông trở thành người ấn định "cuộc chơi". Tuy nhiên, êkíp tranh cử của đảng Dân chủ vẫn chưa thể lạc quan khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một sự bám đuổi sít sao và thay nhau dẫn điểm của hai chính khách trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng.


 



Tổng thống Obama (phải) và cựu Thống đốc Romney đấu khẩu trong cuộc tranh luận ngày 17/10.

Chủ đề cuộc tranh luận kéo dài 90 phút lần này tại Đại học Hofstra tập trung vào chính sách đối ngoại và đối nội của nước Mỹ. Hình thức tranh luận lần này hơi khác so với lần đầu tiên, khi bên cạnh các câu hỏi của phóng viên của kênh truyền hình CNN, một số cử tọa dự cuộc tranh luận cũng có những câu hỏi cho hai ứng cử viên. Sau "hiệp 1" diễn ra hôm 3/10 bị đánh giá là "đuối" hơn đối thủ, ứng cử viên Obama đã đặt quyết tâm giành lại ưu thế trong "hiệp 2". Trong khi đó, ứng cử viên Romney tìm cách khẳng định vị thế đang lên của mình và thuyết phục cử tri Mỹ rằng ông đủ tầm để làm ông chủ Nhà Trắng.


Cuộc tranh luận khá căng thẳng khi cả hai đều tập trung xoáy vào những điểm yếu của nhau. Ứng cử viên Romney đã nhấn mạnh vào vụ Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (Libi) bị tấn công hôm 11/9 vừa qua, khiến Đại sứ Mỹ bị thiệt mạng, trong khi Tổng thống Obama cáo buộc đối thủ "chơi không đẹp" khi khai thác vụ tấn công để ghi điểm chính trị. Ông Romney đáp trả mạnh mẽ khi chỉ trích tổng thống vẫn thực hiện chuyến đi gây quỹ và nhấn mạnh chính sách về Trung Đông của chính quyền Obama "đang đổ vỡ".


Liên quan tới lĩnh vực đối nội, hai chính khách cũng đề cập tới các khoản nợ công, vấn đề tạo việc làm, chính sách phát triển năng lượng. Tổng thống Obama cáo buộc đối thủ cố tình xuyên tạc các chính sách của chính quyền, đồng thời khẳng định các chính sách đã phát huy hiệu quả. Ông chỉ trích đối thủ phản đối gói cứu trợ của chính phủ dành cho ngành công nghiệp xe hơi, đồng thời cho rằng những đề xuất kinh tế của ông Romney đã "bóp nghẹt" tầng lớp trung lưu... Ông cũng cho rằng đại diện đảng Cộng hòa là một người không kiên định khi thay đổi lập trường về năng lượng, từng phản đối việc khai thác than đá, nhưng nay lại chuyển sang ủng hộ việc này.


Đáp lại, cựu Thống đốc Romney cho rằng Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay và chỉ trích ông Obama về cách thức quản lý nền kinh tế, khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh. Theo chính khách này, đã đến lúc nước Mỹ cần một nhà lãnh đạo mới.


Đánh giá về cuộc tranh luận lần này, bà Linda Fowler, giáo sư chính trị tại Đại học Dartmouth, cho rằng ứng cử viên Romney đã khiến các cử tri Cộng hòa khá thất vọng khi ông không duy trì được thế thượng phong của mình. Trong khi đó, ông John Pitney, giáo sư Đại học Claremont McKenna, thừa nhận tổng thống đương nhiệm đã có một "show diễn" hay hơn hẳn những gì ông đã thể hiện ở Denver.


Sau cuộc tranh luận lần trước, ông Obama đã bị mất khoảng 4% trong các thăm dò dư luận về dự định bỏ phiếu trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận mới nhất trước cuộc tranh luận thứ hai cho thấy đương kim tổng thống đang giành lại một phần những gì được cho là "đã bị mất". Trong số 1.092 cử tri trên cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên, có 47% nói rằng nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay lúc này, họ sẽ bỏ phiếu cho ông Obama, trong khi 45% cam kết ủng hộ ông Romney. Đây là một tín hiệu tốt lành đối với ông Obama khi mà kết quả thăm dò cách đây vài ngày của hai tổ chức trên, ông Romney còn dẫn trước với cách biệt 47% - 44%.


TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN