OAS họp khẩn về việc nhà sáng lập WikiLeaks xin tỵ nạn chính trị

Đại sứ các nước thuộc Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp vào ngày 17/8 thảo luận về những căng thẳng giữa Anh và Ecuador (Êcuađo) xung quanh việc Quito quyết định cấp quy chế tỵ nạn chính trị cho nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange, người hiện đang cư trú tạm thời tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh.

Tại cuộc họp bất thường này, các đại sứ của 23 nước thành viên OAS đã bỏ phiếu nhất trí sẽ triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của tổ chức vào ngày 24/8 tới để đưa ra một lập trường chung sau khi Chính phủ Anh dọa tấn công Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt giữ và dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển, nơi ông bị cáo buộc xâm hại tình dục. Mỹ, Canađa, Trinidad và Tôbagô là bốn nước bỏ phiếu chống.

Người sáng lập mạng WikiLeaks, Julian Assange. Ảnh: AFP-TTXVN


Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại OAS Carmen Lomellin cho rằng việc triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng của OAS sẽ là "vô ích và bất lợi" đối với uy tín của tổ chức đa phương này. Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington không tham gia Công ước OAS năm 1954 về quy chế cấp tỵ nạn ngoại giao và không công nhận quy chế này như một điều luật quốc tế. Theo bà Nulen, OAS không nên tham gia vào vụ việc này bởi đây là vấn đề riêng giữa Anh và Ecuador.

Trong khi đó, khoảng 20 nhân viên cảnh sát Anh đã được điều động đến Đại sứ quán Ecuado đề phòng trường hợp ông Assange trốn thoát. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết ôngAssange có thể tạm trú tại đại sứ quán nước này chừng nào Chính phủ Anh không đưa ra một hướng giải quyết "an toàn và hợp lý" đối với ông chủ WikiLeaks.

Ngày 15/8, Anh đã quyết định dẫn độ ông Assange, 41 tuổi, quốc tịch Australia (Ôxtrâylia) - người sáng lập tổ chức WikiLeaks từng tiết lộ những thông tin mật động trời liên quan các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq (Irắc) và Afghanistan (Ápganixtan), sang Thụy Điển để thẩm vấn về những cáo buộc xâm hại tình dục.

Ông Autralisa đã ở trong Đại sứ quán Ecuado tại Anh từ tháng 6/2012 và đã nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại Ecuado với lý do bị truy bức tại nhiều nước sau khi cho công bố hàng trăm nghìn bức điện mật ngoại giao của Mỹ. Anh và Mỹ đã từ chối bảo đảm tính mạng cho đối tượng này, trong khi Thụy Điển không chấp nhận dẫn độ nhân vật này sang một nước thứ ba và đây là những lý do khiến Ecuado đi đến quyết định cho phép Autralisa tỵ nạn.

WikiLeaks là trang mạng đặt tại Thụy Điển, chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố. Trang mạng này đã nhiều lần tiết lộ tài liệu mật của Mỹ gây chấn động dư luận thế giới.

Sau vụ tiết lộ 250.000 điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ ngày 28/11/2010, WikiLeaks liên tục bị tấn công và phải thay tên miền để tiếp tục hoạt động.


TTXVN/ Tin Tức


Julian Assange và hiện tượng WikiLeaks-Kỳ cuối: Cuộc chiến pháp lý
Julian Assange và hiện tượng WikiLeaks-Kỳ cuối: Cuộc chiến pháp lý

Trong bối cảnh các tài liệu về cuộc chiến của Mỹ tại Ápganixtan mới được WikiLeaks tung ra, Julian Assange đã tới Xtốckhôm, Thụy Điển vào tháng 8/2010 để tham dự một cuộc hội thảo mà ông là diễn giả chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN