Nước sạch nông thôn: Cần đảm bảo tính bền vững

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song một số mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn II (2006 -2010) còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, nhất là các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường nông thôn.

Nhiều mục tiêu chưa hoàn thành

Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một chương trình mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.


Kết thúc giai đoạn II chương trình (2006 - 2010), tổng số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 52,1 triệu người, tăng 13,26 triệu người so với cuối năm 2005; tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83% (thấp hơn 2% so với mục tiêu đặt ra); trong đó có 42% được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.


Trong 7 vùng kinh tế - sinh thái thì miền núi phía Bắc có 78% dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, Tây Nguyên 74% và là những vùng có tỷ lệ thấp nhất. Đặc biệt, giữa các tỉnh, thành phố đã tồn tại sự chênh lệch lớn, có 10/63 tỉnh đạt tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 90%; 20/63 tỉnh đã đạt 83 - 90%; 20/63 tỉnh đạt 75 - 83%; 13 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 75%.

100% số hộ dân ở bản Én Nọi, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã được sử dụng nguồn nước sạch từ các chương trình của nhà nước. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN.


Tuy mục tiêu đặt ra là đến năm 2010 tất cả nhà trẻ, trường học, trạm xá, trụ sở xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhưng kết thúc giai đoạn này vẫn còn 16% các trường học chưa có nước sạch. Ngoài ra, vệ sinh môi trường nông thôn đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến hết năm 2010, có khoảng 2,7 triệu hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, chiếm 45% tổng số hộ chăn nuôi; 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung chất thải đã được thu gom và xử lý; 1 triệu chuồng trại có công trình biogas, chiếm 17%.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn nâng lên thì chất thải sinh hoạt hàng ngày cũng nhiều lên, đặc biệt tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm quy mô thôn, xã. Trong khi quỹ đất ở ngày càng thu hẹp, rác thải chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường đã đến lúc báo động.


Nhiều địa phương đã tổ chức thu gom rác thải, song tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom vẫn còn rất thấp. Kết quả điều tra cho thấy, mới có 3.310 xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải, đạt 32% trên tổng số 10.345 xã, thị trấn trong cả nước. Hoạt động của các tổ thu gom rác thải không thường xuyên, số lần thu gom rác thải ở cấp xã ở mức 0,5- 2 lần/tuần, đối với các thị trấn từ 2 - 6 lần/tuần dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư vẫn phổ biến. Đặc biệt biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là đốt thủ công và đổ lộ thiên, hầu như chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh và tái chế rác vô cơ.

Cần đảm bảo tính bền vững

Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngoài việc củng cố duy trì hoạt động các công trình cấp nước cần tập trung thực hiện tốt các dự án để đạt mục tiêu 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Về vệ sinh môi trường, 65% số hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt chuẩn, 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm biogas; tất cả các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã có đủ nước sạch; 60% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt. Tổng kinh phí cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong giai đoạn này khoảng 48.553 tỷ đồng.

Hiện nay, còn nhiều vùng nông thôn tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng; việc thu gom rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh cao nhưng chưa thực sự bền vững; tỷ lệ nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới đạt 42%, thấp hơn 8% so với mục tiêu đề ra. Bởi vậy, để hoàn thành mục tiêu giai đoạn III (2011 - 2015) đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, địa phương và đặc biệt là ý thức cộng đồng.

Ông Vũ Văn Thặng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong thời gian qua, nhiều loại hình công nghệ về cấp nước cũng như công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình sau đầu tư đã được nhiều địa phương áp dụng và sử dụng hiệu quả.


Tại nhiều địa phương, xuất hiện các mô hình quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước hoạt động hiệu quả như Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng...; mô hình doanh nghiệp, tư nhân quản lý như Tiền Giang, Đồng Tháp...; mô hình cộng đồng tham gia quản lý tại Sơn La, Lào Cai. Vì vậy, giai đoạn 2011- 2015, Chương trình sẽ tập trung thúc đẩy khuyến khích đầu tư và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tính bền vững về cấp nước sạch.

Theo đó, phương thức tiếp cận cho giải pháp công nghệ - kỹ thuật cấp nước sạch là đa dạng hóa các công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của mỗi vùng nông thôn; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn nước bằng các loại hình công nghệ phù hợp, nâng cao chất lượng nước bằng cách áp dụng và chuyển giao nhiều công nghệ mới.


Trong giai đoạn 2011 - 2015, chương trình sẽ ưu tiên tập trung đầu tư vào 62 huyện nghèo, những vùng dân cư tập trung, tận dụng các công trình cấp nước hiện có để nâng cấp và mở rộng, đồng thời tìm kiếm các nguồn nước ổn định cho các vùng đặc biệt khó khăn như vùng thường xuyên hạn hán, lũ lụt, vùng cao, hải đảo, đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường chăn nuôi và xử lý nước thải, chất thải làng nghề...

Ông Vũ Văn Thặng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2011 - 2015, nguyên tắc thực hiện chương trình là bảo đảm tính bền vững, hoạt động lâu dài của hệ thống trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần phát huy nội lực của người dân nông thôn, dựa vào nhu cầu trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành. Từng bước hình thành thị trường nước sạch và dịch vụ vệ sinh, môi trường nông thôn, chuyển mạnh từ phương thức phục vụ sang dịch vụ theo chủ trương xã hội hóa, nhà nước chỉ hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN