Nồi nước gội đầu

Chuyện gội đầu của các mẹ, các chị ngày trước kể ra cũng cầu kỳ, công phu. Trong đó, nồi nước dùng để gội đầu không chỉ góp phần giúp người phụ nữ làm đẹp mà còn chứa đựng cả hồn quê mộc mạc và thảo thơm.


Hồi ấy, nhà tôi có một cái nồi đồng to chuyên dùng để nấu nước gội đầu cho mẹ và các chị. Việc gội đầu không thể làm tranh thủ mà phải dành hẳn một buổi chiều thư thả. Ngày nông nhàn thì không nói làm gì nhưng những khi việc ruộng vườn đang còn đó, mẹ vẫn gác lại để gội đầu theo định kỳ, thường là dăm ngày một lần. Đặt cái nồi đồng lên ba chồng gạch kê ngay ngắn, mẹ múc những gầu nước giếng khơi trong vắt đổ vào nồi và nhóm bếp. Mẹ lấy từ gác bếp xuống mấy quả bồ kết đã khô giòn, đem rửa sạch bồ hóng rồi đợi khi nước trong nồi bắt đầu sủi tăm thì bỏ vào. Cũng có khi chị tôi cho vào đó nắm lá chanh, lá sả, lá cỏ mần trầu vừa hái ở góc vườn hay mấy cành hương nhu, cành hoắc hương mọc ở đầu ngõ. Khi nồi nước sôi đều được một lát thì bắc ra thềm giếng, đợi cho nước nguội rồi lấy tay bóp nát quả bồ kết để tinh dầu hòa tan trong nước. Nồi nước gội đầu lúc này có màu vàng sóng sánh, tỏa hương thơm nồng, ngòn ngọt của các loài thảo mộc dân dã.


Cái thềm giếng rợp mát bóng cây bỗng trở lên tấp nập hơn bao giờ hết. Các chị tôi bày ra la liệt chậu lớn, chậu nhỏ và gương, lược. Mọi người ngồi quây quần bên giếng, gội qua một lượt bằng nước lã để ướt tóc rồi mới nhẹ nhàng dùng gáo dừa múc nước gội đầu rưới lên tóc, từng ít một. Làn nước thơm nồng từ từ chảy để hương thơm của tự nhiên phả vào từng sợi tóc đen dài, óng ánh. Các chị tỉ mẩn xoa hết lượt da đầu rồi lại múc nước rưới lên. Sau mấy lần như thế thì dùng hai ngón tay khẽ hất mái tóc dài về trước mặt, và dùng lược chải nhẹ, chờ gió hong khô tóc. Nước gội đầu nấu từ các loài thảo mộc vừa giúp tóc khỏe và đẹp, lại vừa để hương cỏ cây trên mái tóc còn thơm đến mấy ngày. Tôi có cảm giác rằng cứ sau mỗi lần gội đầu như thế, mái tóc của các chị dài hơn một chút, đen và óng mượt hơn một chút, góp phần tạo lên nét duyên thầm của người con gái.


Hương thơm mái tóc đã đi vào tục ngữ, ca dao, đi vào thơ, vào nhạc. Bao chàng trai đã cảm thấy nao lòng khi được ngắm nhìn mái tóc dài đen mượt buông hờ bên tấm lưng ong, phảng phất hương thơm đồng nội của các cô thôn nữ làng tôi. Cái làn hương được chắt lọc từ đất trời ấy có sức quyến rũ kỳ diệu. Bao đôi lứa đã nên duyên thành vợ thành chồng cũng bắt đầu từ hương thơm mái tóc ấy. Sau này, các chị của tôi lần lượt đi lấy chồng xa nhưng vẫn giữ được thói quen gội đầu bằng nước nấu từ các loài thảo mộc, vẫn giữ trong mái tóc của mình chút duyên đồng nội, vẫn giữ được cái hồn quê trong trẻo, thảo thơm mà ngày xưa mẹ đã trao cho…


Trần Văn Lợi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN