Nỗi lo tăng giá cuối năm

Hai tuần nữa mới vào cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh giá cả một số mặt hàng thực phẩm đã bắt đầu tăng. Dự báo, từ nay đến Tết, giá thực phẩm sẽ còn tăng nhiều đợt. Tuy nhiên, do sức mua sẽ không tăng mạnh nên giá cả sẽ tăng không nhiều như mọi năm.


 

Cuối năm sẽ có nhiều đợt tăng giá ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

 

Theo khảo sát của phóng viên, thời điểm này, tại các chợ Tân Định (quận 1), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Nam Hòa (quận 9)… giá các mặt hàng tiêu dùng đang có chiều hướng tăng. Tăng nhiều nhất là thịt gà, với mức tăng tại các chợ từ 10.000-15.000 đồng/kg. Cụ thể: Đùi gà công nghiệp tăng từ 50.000 lên 60.000 đồng/kg, ức gà từ 45.000 lên 55.000 đồng/kg, gà ta nguyên con 160.000 đồng/con tăng lên 180.000 đồng/con.... Giá các loại thịt lợn tại các chợ này cũng tăng từ 3.000 - 5.000/kg so với tuần trước. Cụ thể: Thịt ba chỉ từ 90.000 đồng/kg tăng lên 93.000 đồng/kg, sườn cốt lết 95.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg… Các loại hải sản tươi sống như cá, mực, tôm… cũng tăng thêm khoảng 10.000 - 50.000 đồng/kg. Không chỉ các loại thịt tăng giá, hàng rau, củ quả cũng đội giá thêm 1.500 - 2.000 đồng/kg. Tại chợ Nam Hòa, giá rau mồng tơi tăng từ 9.000 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg, cải xanh từ 8.500 đồng tăng lên 10.000 đồng/kg… Chị Thanh Mai, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thủ Đức, lý giải: “Giá điện, xăng tăng nên giá các mặt hàng khác cũng tăng theo. Giáp Tết, giá thịt lợn còn tăng thêm nữa, tuy nhiên hiện nay sức mua vẫn còn chậm”.


Không chỉ có thực phẩm tươi sống tăng giá, mà đến thời điểm này, các loại hạt sấy, hạt mứt tại các chợ bán buôn và bán lẻ trên địa bàn thành phố cũng đã bắt đầu tăng giá. Chẳng hạn, so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán các loại mứt Tết, hạt khô cũng đã tăng thêm từ 5.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, hạt điều rang chưa bóc vỏ giá bán dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, hạt dẻ 310.000 - 350.000 đồng/kg, sen sấy 320.000 - 340.000 đồng/kg… Đối với nhóm các mặt hàng thủy - đặc sản khô, giá bán cũng đã tăng bình quân khoảng 7 - 9% so với thời gian đầu tháng 12. Cụ thể, tôm khô loại nhỏ có giá bán 550.000 đồng/kg, tôm cỡ vừa từ 600.000 - 750.000 đồng/kg và tôm khô cỡ lớn trên 800.000 đồng/kg…


Nguyên nhân của đợt tăng giá thực phẩm tươi sống trong hai tuần qua, theo các tiểu thương là do nguồn cung thực phẩm ở miền Bắc bị giảm do đang vào mùa rét, vì vậy thực phẩm từ miền Nam đang bị “hút hàng”. Ngoài ra, các loại gia súc, gia cầm nhập lậu hoặc nhập theo đường chính ngạch được các cơ quan quản lý siết chặt, kiểm tra về chất lượng, số lượng, nguồn gốc… đã khiến giá thịt lợn, gà trong nước tăng khá mạnh. Có thể nói, sau thời gian dài sụt giảm xuống còn 30.000 - 35.000 đồng/kg, từ đầu tháng 12 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam đã tăng lên 45.000 - 50.000 đồng/kg.


Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thị trường những tháng cuối năm sẽ tăng do tác động tăng của giá thế giới và quy luật của chu kỳ tăng giá dịp cuối năm nên cần phải tăng cường công tác quản lý bình ổn giá, bảo đảm cân đối cung cầu trên cả nước. Cụ thể, giá lúa, gạo trong nước có khả năng tăng do nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu dịp Tết tăng; giá thực phẩm tươi sống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, khí hóa lỏng có xu hướng tăng trong thời gian tới; dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn, trong khi thời tiết không thuận lợi có thể gây tác động đến nguồn cung thực phẩm.


Để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến cuối năm gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời nhằm kiểm soát chặt chẽ giá thị trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết các mặt hàng tại các chợ, siêu thị trên địa bàn.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN