Nội bộ Nhật chia rẽ vì tăng thuế tiêu dùng

Chiều 26/6, với 363 phiếu ủng hộ và 96 phiếu chống, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật tăng thuế tiêu dùng cho phép chính phủ nâng thuế tiêu dùng từ 5% hiện nay lên 8% từ ngày 1/4/2014 và 10% từ ngày 1/10/2015 để bù đắp các khoản chi khổng lồ cho an sinh xã hội của đất nước có dân số đang lão hóa này. Tuy nhiên, vấn đề tăng thuế tiêu dùng cũng đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Nhật Bản.


Sinh mệnh chính trị

 

Ông Ozawa trong phiên họp hạ viện ngày 26/6. Ảnh: Internet


 

Tại sao chính phủ Nhật Bản lại chọn tăng thuế tiêu dùng? Khác với thuế thu nhập và thuế pháp nhân (thuế công ty), nếu tăng thuế tiêu dùng, nguồn thu thuế tương đối ổn định, ít có biến động ngay cả khi tình hình kinh tế xấu đi. Nhà nước có thể thu thuế rộng khắp không liên quan đến độ tuổi hay thu nhập, dễ chia sẻ gánh nặng trong toàn xã hội. Chỉ cần tăng 1% thuế tiêu dùng, mỗi năm ngân sách sẽ thu được khoảng 2.700 tỷ yen. Nếu tăng 5% thuế tiêu dùng, khoản thu này sẽ là 13.500 tỷ yen/năm và sẽ được sử dụng làm nguồn tài chính đảm bảo an sinh xã hội như chi trả lương hưu, chăm sóc y tế, nuôi dạy trẻ…


Tuy nhiên, nếu tăng ngay lập tức 5% thuế tiêu dùng, gánh nặng tài chính đối với các hộ gia đình sẽ rất nặng nề, đồng thời chính phủ Nhật Bản cũng lo ngại rằng việc này có thể khiến tiêu dùng giảm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, dễ gây phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Do đó, liên minh cầm quyền đã quyết định tăng thuế theo hai giai đoạn.


Chính phủ Nhật Bản nhận thức rằng việc tăng thuế tiêu dùng nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên ổn định để duy trì cán cân giữa nguồn tài chính quốc gia và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Do dân số lão hóa, chi phí liên quan đến an sinh xã hội tăng khoảng 1.000 tỷ yen mỗi năm, trong khi nguồn thu từ thuế giảm 2 năm liền do kinh tế trì trệ kéo dài. Nợ của Nhật Bản tính đến hết tháng 12/2011 đã lên đến 958.638,5 tỷ yen, mức kỷ lục từ trước đến nay. Nếu tình hình cứ tiếp diễn, cả chế độ an sinh xã hội và nền tài chính của Nhật Bản sẽ khó đứng vững.


Chính vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã nhiều lần nhấn mạnh ông quyết tâm thông qua các dự luật liên quan đến cải cách toàn diện thuế và chế độ an sinh xã hội, mà trọng tâm là dự luật tăng thuế tiêu dùng. Ông Noda tuyên bố sẵn sàng “đặt cược sinh mệnh” chính trị của mình vào việc tăng thuế này.


Nội bộ chia rẽ

Những tuần gần đây, nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối tăng thuế tiêu dùng liên tiếp diễn ra tại thủ đô Tokyo (Tôkyô). Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do báo Sankei công bố ngày 25/6, trong số những người được hỏi, tổng cộng 41,8% tán thành việc tăng thuế tiêu dùng, trong khi số người phản đối chiếm 56,8%. Có đến 50,6% số người được hỏi cho rằng cần giải tán hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Uy tín của đảng Dân chủ cầm (DPJ) quyền đã xuống đến mức thấp nhất và nếu có cuộc bầu cử vào thời điểm hiện nay, chỉ có 9% ủng hộ đảng này.


Ngay trong nội bộ DPJ, cuộc tranh cãi giữa một bên ủng hộ và một bên phản đối tăng thuế tiêu dùng cũng diễn ra quyết liệt, nhưng không đạt được thỏa thuận. Phái lớn nhất trong DPJ do cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa đứng đầu phản đối mạnh mẽ tăng thuế tiêu dùng. Phái này yêu cầu giữ nguyên những cam kết trong cương lĩnh tranh cử đã đưa DPJ lên nắm quyền năm 2009 và cho rằng hiện có nhiều việc nên làm hơn là tăng thuế tiêu dùng.


Do không thuyết phục được phái Ozawa, Thủ tướng Noda đã buộc phải thương lượng với hai đảng đối lập lớn là đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh mới (NKT). Để thông qua các dự luật liên quan đến cải cách toàn diện thuế và chế độ an sinh xã hội, ông Noda đã phải có nhiều nhượng bộ với hai đảng này, khiến cho mâu thuẫn giữa ông và phái Ozawa càng sâu sắc.


DPJ trước nguy cơ trở thành đảng cầm quyền thiểu số

Trong cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, 57 hạ nghị sĩ DPJ, trong đó có ông Ozawa và cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, đã bỏ phiếu chống dự luật tăng thuế tiêu dùng, trong khi 16 người khác không tham gia bỏ phiếu.


Trước cuộc bỏ phiếu trên, ông Ozawa đã nhấn mạnh khả năng ly khai khỏi DPJ và thành lập chính đảng mới ngay sau cuộc bỏ phiếu. Mặc dù không thể lật ngược thế cờ do ông Noda đã đạt thỏa thuận với hai đảng đối lập LDP và NKT, nhưng ông Ozawa vẫn có thể đe dọa chiếc ghế thủ tướng của ông Noda nếu lôi kéo được nhiều nghị sĩ ủng hộ ông từ bỏ DPJ theo ông thành lập chính đảng mới.


Liên minh cầm quyền hiện nắm 292 ghế tại Hạ viện có 480 ghế. Trừ chủ tịch hạ viện và 1 ghế khuyết, liên minh cầm quyền cần tối thiểu 239 ghế để có đa số quá bán. Nếu ông Ozawa cùng ít nhất 53 hạ nghị sĩ từ bỏ DPJ, liên minh cầm quyền sẽ chỉ còn nhiều nhất là 238 ghế và sẽ trở thành liên minh cầm quyền thiểu số tại hạ viện. Khi đó, nếu một nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ được đưa ra hạ viện, nghị quyết này có thể được thông qua và đe dọa sinh mệnh của chính phủ của ông Noda.


Chính vì vậy, Tổng thư ký DPJ Azuma Koshiishi đã tỏ ra thận trọng, không muốn trừng phạt nặng những hạ nghị sĩ “tạo phản” để tránh gây sức ép buộc họ ly khai thành lập chính đảng mới chống lại chính phủ. Ông cho rằng gây chia rẽ nội bộ đảng sẽ chỉ có lợi cho LDP mà thôi và đang ra sức thuyết phục ông Ozawa và những người ủng hộ ông không ly khai DPJ.


Sau cuộc bỏ phiếu chiều 26/6, các nghị sĩ phái Ozawa cho biết hiện ông dự định sẽ ở lại DPJ, nhưng không loại trừ khả năng từ bỏ đảng này để thành lập chính đảng mới. Một số nhà phân tích cho rằng ông Ozawa đang dùng con bài “ly khai” để uy hiếp ban lãnh đạo DPJ, khiến họ không dám áp dụng biện pháp kỷ luật nặng đối với ông và những nghị sĩ ủng hộ ông. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, Thủ tướng Noda đã nhấn mạnh sẽ điều tra kỹ và trừng phạt những nghị sĩ “tạo phản”.


Trong khi LDP đang gây sức ép đòi giả tán hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, nếu ông Ozawa và các nghị sĩ ủng hộ ông bất mãn vì bị kỷ luật, họ có thể ly khai thành lập đảng mới chống lại chính phủ của Thủ tướng Noda. Khi đó, chính trường Nhật Bản có khả năng sẽ có biến động lớn.



Minh Sơn (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN