Những bước tiến công nghệ thông tin của hải quan

Năm 2013, việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Hải quan có những bước đột phá, góp phần vào sự phát triển chung của ngành.

 

Nổi bật là ngành đã triển khai hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia - VNACCS/VCIS. Hệ thống này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2014. Được phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ của hệ thống thông quan tự động NACCS/CIS đang áp dụng rất thành công tại Nhật Bản. Hệ thống này nằm trong gói viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản dành cho Việt Nam trị giá 2.661 triệu yên Nhật Bản (tương đương 34 triệu đô la Mỹ) cho dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan”. Từ tháng 11/2013, Tổng cục Hải quan tổ chức chạy thử hệ thống VNACCS/VCIS trên toàn quốc. Đợt chạy thử nhằm giúp doanh nghiệp, công chức hải quan và tất cả các bên liên quan thực hành sử dụng thành thạo các quy trình nghiệp vụ hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS, góp phần giảm thiểu các khó khăn, vướng mắc khi hệ thống vận hành chính thức.


Thủ tục hải quan điện tử cũng đã được triển khai tại 34/34 cục hải quan với 148 chi cục trong cả nước tham gia. Đã có trên 48.000 doanh nghiệp thực hiện thủ tục này, đạt 95,66% số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên toàn quốc. Tổng số tờ khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 4,981 triệu tờ khai, chiếm 92,92% tổng số tờ khai hải quan trên toàn quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử đạt 228,74 tỷ USD, chiếm 95,20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn quốc.


Cũng trong tháng 11, chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử được áp dụng. Khi sử dụng chữ ký số thay cho việc sử dụng tài khoản khai hải quan điện tử, doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc cơ quan hải quan dễ dàng xác thực các đối tượng tham gia trực tuyến; dữ liệu gửi đến mang tính chính xác và bảo mật cao, tránh được tình trạng giả mạo truyền thông tin tờ khai vì các chữ ký số này đã được chứng thực bởi các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Khi đã có chữ ký số, doanh nghiệp không phải đến trụ sở cơ quan hải quan mà chỉ cần thông qua mạng Internet để đăng ký tại Cổng thanh toán điện tử Hải quan, thời gian thực hiện việc đăng ký không quá 2 phút. Tính đến cuối tháng 11/2013, đã có 46,42% giao dịch sử dụng chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử, ngành phấn đấu hết quý IV/2013 hoàn thành 100% giao dịch sử dụng chữ ký số.


Ngành Hải quan đã hoàn thành triển khai hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại các đơn vị hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM. Ngành cũng đã hoàn thành triển khai hệ thống e-Manifest cho 8 cục hải quan còn lại theo Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg. Toàn ngành đã tiếp nhận được 4.831 hồ sơ; về phía doanh nghiệp, đã triển khai hệ thống cho 43 hãng tàu, 335 đại lý hãng tàu và hơn 1.218 công ty giao nhận trên cả nước.


Việc triển khai hệ thống


e-Manifest đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Thủ tục thông quan tàu biển xuất nhập cảnh được thực hiện nhanh chóng. Các hãng tàu cũng rút ngắn thời gian lưu tàu tại cảng, không phải in và nộp bản giấy manifest giúp giảm thời gian và chi phí phát sinh. Trong khi đó, doanh nghiệp khai thác cảng giải phóng được tàu nhanh, tổ chức xếp dỡ hàng hóa đúng kế hoạch, tăng năng suất khai thác cho doanh nghiệp cảng.


Đến nay, ngành Hải quan đã hoàn thành triển khai mở rộng Cổng thanh toán điện tử cho 25 cục hải quan tỉnh, thành phố trên cả nước để trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và ngân hàng thương mại. Nhờ triển khai Cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu mà thông tin về số thu vào ngân sách nhà nước trước đây kéo dài từ 3 đến 7 ngày, nay chỉ trong 1 ngày; đáp ứng hiện đại hóa công tác thu NSNN và phục vụ tốt các đối tượng nộp tiền vào NSNN.


Để tiếp tục phát triển việc ứng dụng CNTT trong ngành Hải quan, mới đây, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Triển khai hoạt động của Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan”. Đề án nhằm mục tiêu tổ chức quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống ứng dụng CNTT, tập trung ngành Hải quan hoạt động thông suốt 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện thủ tục hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia; duy trì hoạt động ổn định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành Hải quan và các cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, Trung tâm quản lý vận hành hệ thống công nghệ thông tin hải quan sẽ thực hiện triển khai các ứng dụng tập trung cấp tổng cục và tiếp nhận hệ thống VNACCS/VCIS từ Hải quan Nhật Bản. Cụ thể gồm một số nhiệm vụ lớn như: Thực hiện công tác quản lý, vận hành các ứng dụng CNTT; hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho các đối tượng sử dụng hệ thống VNACCS/VICS, cơ chế một cửa và các hệ thống thành phần khác; cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành Hải quan theo quy định của pháp luật.


Nguyễn Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN