Nhà báo nước ngoài được thăm nơi phóng vệ tinh của Triều Tiên

Nhật Bản triển khai tên lửa đối phó với Triều Tiên

Hãng tin AFP ngày 8/4 cho biết, lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên đã tổ chức một chuyến thăm chưa từng có tiền lệ cho các nhà báo nước ngoài đến trung tâm vũ trụ Tongchang-ri để tận mắt nhìn thấy tên lửa Unha-3. Động thái này nhằm chứng minh đây không phải là một tên lửa đạn đạo ngụy trang như cáo buộc của Mỹ và các đồng minh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản tại thành phố Ninh Ba. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo đó, 50 nhà báo đã được đưa đến trung tâm vũ trụ trên bán đảo Cholsan ở phía tây bắc Triều Tiên, cách biên giới Trung Quốc 50 km. Tại đây, các nhà báo có thể quan sát thấy tên lửa tầm xa Unha-3 đã được đặt trên bệ phóng. Tên lửa cao 30 m và có đường kính 2,5 m.

Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố sẽ phóng Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo từ ngày 12 - 16/4 nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực dự báo thời tiết phục vụ phát triển nông nghiệp. Nước này cũng đã mời quan chức ngoại giao và các thanh sát viên từ nhiều nước đến quan sát để chứng minh bản chất dân sự của vụ phóng vệ tinh này. Ông Jang Myong-Jin, Giám đốc Trung tâm vũ trụ Tongchang-ri khẳng định: “Nói rằng đây là vụ thử tên lửa là điều thực sự phi lý. Vụ phóng vệ tinh này đã được lên kế hoạch từ lâu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Chúng tôi không thực hiện điều này vì mục đích gây hấn”.

Tuy nhiên, nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn cho rằng kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên chỉ là hành động ngụy trang cho một vụ thử tên lửa tầm xa vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Để đối phó với vụ phóng vệ tinh, ngày 8/4, Nhật Bản đã hoàn tất triển khai các khẩu đội tên lửa tại thủ đô Tôkyô để tăng cường phòng thủ trước khi CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ phóng vệ tinh như kế hoạch vào trung tuần tháng 4 này.

Theo các nguồn tin nước ngoài, các tên lửa đánh chặn Patriot được triển khai tại ba cơ sở quân sự ở ba khu vực mở rộng của thủ đô. Đồng thời Nhật Bản cũng đã điều ba tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 tới biển Hoa Đông. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã "bật đèn xanh" cho phép bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ Nhật Bản.

Mặc dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản diễn ra trong hai ngày 7 - 8/4, tại thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) nhưng kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên đã được thảo luận trong các cuộc hội đàm song phương bên lề hội nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 8/4 cho biết, Trung Quốc quan ngại trước kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên và hối thúc cần phải tăng cường các hoạt động ngoại giao hơn nữa để giải quyết tình hình này. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, nước này hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ tiếp tục bình tĩnh, kiềm chế trong tình hình chung, vì lợi ích lâu dài, tiếp tục đối thoại và giải quyết hợp lí các vấn đề liên quan bằng những phương thức hòa bình.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đưa tin, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục kêu gọi Triều Tiên ngừng kế hoạch phóng vệ tinh cho tới tận phút chót.

Dương Hạnh (tổng hợp)

Triều Tiên đã đặt tầng đầu tiên của tên lửa vào bệ phóng
Triều Tiên đã đặt tầng đầu tiên của tên lửa vào bệ phóng

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc ngày 7/4 cho biết CHDCND Triều Tiên đã đặt "tầng đầu tiên" của tổ hợp tên lửa - vệ tinh không gian lên bệ phóng tại bãi Tongchang-ri ở tỉnh Bắc Pyongan, miền bắc Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN