Nhà báo Đào Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam

“Nhà báo Đào Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam” là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đồng phối hợp tổ chức tại trụ sở TTXVN, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội sáng 16/10.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí: Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Đỗ Phượng, Hồ Tiến Nghị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN; các đồng chí Vũ Hiền, Trần Mai Hạnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Các đồng chí nhà báo lão thành: Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang...; bà Lê Thu Hà, phu nhân nhà báo Đào Tùng.


Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, các đồng chí Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc TTXVN qua các thời kỳ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ cùng đông đảo các đại biểu của hai cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam, TTXVN và đại diện tỉnh Bắc Giang (quê hương nhà báo Đào Tùng) cùng tham dự.


Nhà báo Đào Tùng sinh ngày 15/10/1925, mất ngày 15/9/1990, tên thật là Đỗ Trung Thành; quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Ông nguyên là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa VIII; Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập TTXVN; nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).


Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nêu rõ: Với TTXVN, nhà báo Đào Tùng là người có công xây dựng TTXVN thành Trung tâm thông tin chiến lược quốc gia; tiên phong trong lĩnh vực vi tính hóa, điện tử hóa công nghệ truyền phát; khởi xướng, ấn hành 3 ấn phẩm trở thành thương hiệu TTXVN (Tuần Tin tức, Thể thao Văn hóa và Khoa học kỹ thuật Kinh tế thế giới); mở mang quan hệ đối ngoại báo chí trong khối XHCN.


Nhà báo Đào Tùng đã đóng góp nhiều cho hoạt động và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước, Tại hội nghị hợp nhất giữa Hội Nhà báo Việt Nam ở miền Bắc và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam sau ngày nước nhà thống nhất, nhà báo Đào Tùng được bầu vào Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất. Tại Đại hội lần thứ 4 Hội Nhà báo Việt Nam (12/1983), nhà báo Đào Tùng - Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là một trong số lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được tặng Giải thưởng Báo chí quốc tế OIJ, Huy chương OIJ về sự đóng góp cho hoạt động của tổ chức báo chí quốc tế danh tiếng.


Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi phát biểu: Một phần tư thế kỷ với tư cách người đứng đầu hãng Thông tấn quốc gia, hình ảnh của ông để lại trong lòng người làm báo TTXVN các thế hệ sau là một nhà báo xông xáo, bản lĩnh; nhà lãnh đạo năng động, luôn đổi mới và sáng tạo; có những cống hiến thiết thực, đầy hiệu quả để TTXVN có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức thông tin báo chí trong nước, quốc tế và khu vực như ngày nay.
Hình ảnh nhà báo Đào Tùng là hình ảnh một nhà báo luôn đeo chiếc máy ảnh bên mình, tay xách chiếc radio để nghe tin tức; là một nhà báo - chiến sĩ, một vị chỉ huy đang trên đường vào chiến trường, trực tiếp chỉ đạo thông tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông làm việc và luôn quán triệt cho cán bộ, phóng viên, nhân viên VNTTX (nay là TTXVN) với tinh thần “Cơ quan thông tấn không được để một phút nào gián đoạn thông tin phục vụ Đảng, Nhà nước chỉ đạo cuộc kháng chiến”. Tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, cho miền Nam thân yêu, cho Thông tấn xã giải phóng, cho chiến trường. Mặt trận nào cũng phải có phóng viên VNTTX” luôn được ông truyền lửa và lan tỏa khắp toàn ngành.


Ý kiến của các nhà báo lão thành, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng, Hồ Tiến Nghị đều chung suy nghĩ: Làm việc với nhà báo Đào Tùng, tư duy rộng mở hơn; nhận thức và hiểu biết giầu hơn, phong phú hơn; quyết định dứt khoát hơn trong công việc. Với nguyên Tổng Giám đốc Hồ Tiến Nghị thì nhà báo Đào Tùng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là con người xông xáo, đầy nhiệt huyết và nhiều sáng kiến; là người lãnh đạo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên; luôn quan tâm đến việc đào tạo lực lượng kế cận, nhất là với thế hệ trẻ; có tầm nhìn xa trông rộng, thể hiện trong việc chuẩn bị nguồn lực cho sau ngày kết thúc chiến tranh, tiếp cận khoa học công nghệ mới.


Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ về những hồi ức, kỷ niệm của một thời ông được làm lính của thủ trưởng và cùng thủ trưởng Đào Tùng vào chiến trường trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kỷ niệm khó quên là câu chuyện thủ trưởng Đào Tùng quyết định mua chiếc xe máy Honda 90 tận bên Campuchia để nhà báo Văn Bảo và Trần Mai Hạnh làm phương tiện đi tắt đón đầu, nhằm Dinh Độc Lập thẳng tiến để kịp ghi lại cuộc chiến đấu của quân và dân ta bằng những tin, bài, ảnh hay và đẹp. Ông dặn hai người: Xe đắt tiền nên các cậu phải có tin bài hay và ảnh đẹp cho VNTTX.


Nhà báo Bùi Thanh kể lại những kỷ niệm về nhà báo Đào Tùng trong việc vận động khai thông các thủ tục hành chính tưởng khó lòng vượt qua để thiết lập mạng lưới phóng viên hãng thông tấn nước ngoài tại Việt Nam và phóng viên VNTTX ở nước ngoài...


“Nhà báo Đào Tùng với báo chí cách mạng Việt Nam” nằm trong chương trình của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm về các nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp thông tấn nước nhà, cho hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhân chứng, đồng nghiệp báo chí có dịp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề về lịch sử báo chí Việt Nam; tổ chức các hình thức ghi nhận và tưởng niệm các nhà báo tiền bối, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống báo chí cách mạng. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu về lịch sử truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước. Hoạt động này cũng để chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Trung tâm tư liệu thư viện và Bảo tàng Báo chí Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam đang thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Công Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN