Người đưa đò thầm lặng ở thủy điện Yaly

Có một người giáo viên hơn 20 năm qua lặng thầm chở chữ trên dòng sông Sê San. Nơi ấy, khi công trình thủy điện Yaly mới được khởi công xây dựng, cô giáo miền Bắc đã tình nguyện vào đây, đem cái chữ đến với đồng bào và con em công nhân trên công trường này. Khoảng thời gian hơn 20 năm không phải là quá dài, nhưng cũng đủ để những lớp học sinh trưởng thành, luôn nhớ về trường cũ, nơi ấy có một cô giáo tận tụy, âm thầm gieo chữ từng ngày.


Gian nan ngày đầu gieo con chữ


Bây giờ, trường PTTH Yaly là một trong những trường có chất lượng hàng đầu của tỉnh Gia Lai, dù tuổi đời chưa quá 20. Nhưng để có được những thành công đó, là sự cố gắng không nhỏ của tập thể giáo viên và học sinh nhà trường từng ngày đóng góp. Mà trong đó, phải kể đến sự đóng góp bền bỉ của Nhà giáo ưu tú Trịnh Thị Trang, hiệu trưởng nhà trường.

Cô Trịnh Thị Trang bên một người học trò cũ của mình.


Chia sẻ với tôi về những ngày đầu thành lập trường, cô Trang không khỏi ngậm ngùi kể rằng hồi ấy, khi thủy điện Yaly mới đặt những viên gạch đầu tiên, con em cán bộ công nhân viên vào xây dựng nhà máy và cả con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây đói chữ lắm. Theo tiếng gọi của công trường, của trái tim mình, lúc ấy cô đang là một giáo viên giỏi cấp tỉnh, có cuộc sống ổn định tại tỉnh Nam Định, cô quyết định vào đây dạy học, mang cái chữ đến với những đứa trẻ.


Có lẽ trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam chưa từng có một trường hợp nào như cô, chỉ sau 3 tháng làm giáo viên cô đã được cấp trên bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường cấp 1 - 2 Yaly với những thành tích đặc biệt nổi bật của mình khi chưa có thời gian làm “phó”. Sự tin tưởng của những người làm công tác quản lý giáo dục ở Gia Lai hồi ấy đã không sai lầm, bởi trong những tháng năm mới khai sinh công trình ở vùng đất này, Yaly mới chỉ có 1 trường duy nhất ghép cả tiểu học và trung học cơ sở, với điều kiện về vật chất nghèo nàn, trường học là dãy nhà cấp 4 tạm bợ, dột nát, không đủ bàn ghế, không có tường rào, không có điện. Cùng với sự gia tăng dân số của công trường xây dựng thủy điện, học sinh tăng rất nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước tới 15 lớp. Thấy trường lớp thiếu phòng học, thiếu giáo viên, học sinh của mình học trong điều kiện khó khăn như vậy, cô Trịnh Thị Trang đã liên hệ với Tổng công ty Sông Đà mở rộng diện tích trường cũ, chọn đất và đầu tư kinh phí xây dựng trường mới (trường THCS Yaly), xây dựng nhà ở cho giáo viên. Cô làm đề án thành lập trường THCS Yaly, thành lập trường THPT Yaly. Mảnh đất Yaly đã đổi thay về mọi mặt, trong đó đáng kể nhất là giáo dục. Ba ngôi trường mới khang trang, hiện đại bây giờ là trường tiểu học, THCS và THPT Yaly đã làm sáng bừng gương mặt của thị trấn Ialy - Chư Păh - Gia Lai. Và bây giờ, trường THPT Yaly là một trong những đơn vị có tiếng trong tỉnh về số lượng học sinh giỏi các cấp.


Tấm lòng của người giáo viên nhân dân


Hơn 30 năm làm nghề giáo, cô Trang chẳng thể nhớ hết mình đã từng dạy dỗ bao nhiêu học sinh. Như người lái đò thầm lặng, cô cứ đưa hết lứa học trò này đến lứa học trò khác cập bến bờ kiến thức. Cô Trang hồi tưởng lại quãng thời gian vất vả khi vận động được học sinh đồng bào nơi đây đi học. Ngày ấy cái chữ mới về đến đây, việc vỡ được từng nét chữ cho các em đã khó, những giáo viên như cô Trang ngày đó còn phải đối diện với bao hủ tục lạc hậu. Số học sinh dân tộc của trường Yaly ngày càng tăng. Lo cho chất lượng cùng với duy trì sỹ số là vấn đề sống còn, là danh dự của nhà trường. Do đặc trưng của công trường xây dựng thủy điện, đội ngũ giáo viên lại luôn luôn biến động, số giáo viên chuyển đi nhiều hơn số giáo viên ở lại… cô Trang đã cùng ban giám hiệu tìm nhiều giải pháp để vận động học sinh tới trường nhằm duy trì sỹ số, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng dạy học ở mức cao nhất có thể so với điều kiện thực tại của nhà trường.


Cô đã vận động giáo viên, phụ huynh học sinh đóng góp hỗ trợ các em học sinh nghèo, nhất là học sinh dân tộc. Các em này đến trường không phải đóng góp gì, còn nhận thêm tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà trường từ nguồn vận động trên. Tiêu biểu là trường hợp Rơ Chăm MRuých (dân tộc Jrai, làng Mun, xã Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nhiều lần muốn bỏ học để đi làm lấy tiền nuôi mẹ vì hoàn cảnh gia đình vô cùng bất hạnh khi cha mất sớm, mẹ ốm đau luôn, MRuých là lao động chính trong gia đình. Được sự động viên, giúp đỡ của cô, MRuých đã không những không bỏ học mà còn học xong đại học, và hiện đang là cán bộ của Ban Dân vận Huyện ủy Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Bằng những việc làm thiết thực của mình, hình ảnh của cô hiệu trưởng Trịnh Thị Trang đã như người mẹ thứ hai của bao thế hệ học trò nơi đây.


Nhớ lại những kí ức khi phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn chồng chất. đặc biệt là đội ngũ giáo viên, cô hiệu trưởng đích thân đi đến các trường Đại học Sư phạm và Sở GDĐT để tìm nguồn giáo viên cho nhà trường, nhiều giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã đến Yaly công tác. Như năm 1996, cô đã vận động được 23 giáo viên từ Hòa Bình vào công tác tại Yaly. Lúc ấy, việc di chuyển một lúc 23 hộ gia đình giáo viên từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên đâu phải chuyện dễ dàng! Để họ yên tâm công tác và lập nghiệp, cô đã thuyết phục nhờ Tổng công ty Sông Đà xây nhà ở, hỗ trợ thêm tiền lương, tiền phép cho giáo viên, liên hệ với chính quyền địa phương giúp đỡ, đưa số giáo viên này vào biên chế chính thức của ngành GDĐT. Để nâng cao chất lượng giáo viên và học sinh của trường, sau nhiều đêm trăn trở, cô Trang đã liên hệ các chuyên gia đầu ngành của giáo dục Gia Lai như thầy Trịnh Đào Chiến (hiện đang là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai), hay cô Nhan Thị Hằng Nga (nay là Phó Giám đốc sở GD&ĐT Gia Lai) về giảng dạy các chuyên đề để giáo viên và học sinh cùng học hỏi. Với cách làm tâm huyết ấy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trường THPT Yaly đã có học sinh giỏi đạt giải Quốc gia. Nhiều người trong số những giáo viên đó nay đã là những gương mặt chủ chốt trong ngành giáo dục khắp các địa phương. Chính vì sự nỗ lực của cô Trang, cùng tập thể giáo viên và học sinh của trường, mà từ khi thành lập đến nay, trường THPT Yaly liên tục 11 năm liền đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được UBND tỉnh Gia Lai tặng nhiều Bằng khen. Năm 2002, trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.


Trường THPT Yaly ngày càng khẳng định được mình. Hiện tại trường có 18 phòng học cao tầng khang trang với máy chiếu, có phòng thực hành tin học, phòng thí nghiệm hóa, vật lý, sinh học, nhà đa chức năng, sân vận động… với diện tích 3 ha cùng một cảnh quan môi trường thoáng mát rợp bóng cây xanh và bồn hoa, thảm cỏ, ghế đá. Tất cả tạo nên một ngôi trường xanh sạch đẹp.


Tâm huyết của một nhà giáo như cô giáo Trịnh Thị Trang đã được ghi nhận với bề dày thành tích khi đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở 10 năm liền; 5 lần đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 5 lần được UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen; 2 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… Đến tháng 11 năm 2012, cô hiệu trưởng Trịnh Thị Trang đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là một trong những sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp thầm lặng của một nhà giáo tâm huyết, yêu nghề mến trẻ như cô giáo Trịnh Thị Trang. Bởi suốt đời tận tâm vì một lý tưởng “trồng người”, sống hết mình với học trò và đồng nghiệp bằng một tấm lòng vị tha nhân ái. “Mai này dù “gối bãi”, con đò năm cũ vẫn sẽ còn mãi trong tâm tưởng bao thế hệ học trò đã lớn lên từ vòng tay người giáo viên nhiệt huyết này” như lời một đồng nghiệp của cô đã chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Hữu Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN